Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất chính sách phát triển đối với doanh nghiệp xã hội.
Ảnh minh họa
Cụ thể, nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài thành lập doanh nghiệp xã hội, góp phần thực hiện giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xã hội được ưu tiên tham gia đấu thầu, cung cấp các dịch vụ công do Nhà nước tài trợ, đặt hàng.Các doanh nghiệp xã hội được hưởng mức cao nhất của các chính sách ưu đãi đầu tư và chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp xã hội tự xác định ưu đãi để tự kê khai và tự quyết toán thuế với cơ quan thuế. Trình tự, thủ tục kê khai và thực hiện các ưu đãi thực hiện theo quy định pháp luật.Các doanh nghiệp xã hội được miễn thuế thu nhập tương ứng với khoản lợi nhuận lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp giữ lại để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Theo dự thảo, các doanh nghiệp xã hội được nhận viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức phi chính phủ trong nước, cá nhân, tổ chức khác để thực hiện các mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường. Ngoài ra, theo dự thảo, doanh nghiệp xã hội cũng được nhận viện trợ từ phi chính phủ nước ngoài, viện trợ từ cá nhân, tổ chức trong nước theo những quy định nhất định.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây: Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Tuệ Văn/Chinhphu.vn