Cập nhật: 04/04/2015 09:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người trồng mía mà còn khó khăn cho hoạt động sản xuất của nhà máy đường.

Nông dân Quảng Ngãi đang dần chán cây mía (ảnh minh họa: KT)

Mấy năm gần đây, diện tích trồng mía ở tỉnh Quảng Ngãi ngày càng giảm. Vùng nguyên liệu mía thu hẹp dần sẽ dẫn đến thiếu nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy đường Phổ Phong. Nông dân cũng lo lắng vì chưa tìm được cây trồng khác thay thế cây mía.

Bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ cho biết, sau khi thu hoạch gần 1 ha mía vụ này, gia đình sẽ chuyển sang trồng cây khác. Theo bà Tuyết, tiền bán mía không đủ chi phí chăm sóc, trả tiền công thu hoạch. Bản thân bà Tuyết cũng không hiểu nổi vì sao mía chữ đường thấp và càng ngày giá càng thấp, nên người dân phá mía trồng cây khác.

Hầu hết người trồng mía ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ đều thực hiện đúng hướng dẫn của Nhà máy đường Phổ Phong từ khâu chọn giống, làm đất, trồng trọt đến chăm sóc nhưng chữ đường vẫn không tăng lên. Chữ đường thấp nên giá mua của Nhà máy cũng thấp. Thế nên, người trồng mía không còn “mặn mà” với cây mía.

Bà Lương Thị Lợi ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ cho biết: “Người nông dân cũng trồng theo phương pháp, phân bón giống như nhau mà chữ đường thấp. Xưa thế hệ ông bà trồng chữ đường đạt 11, 12, nay chỉ đạt 7, 8 nên người nông dân rất bất mãn”.

Xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ là một trong những vùng chuyên canh cây mía ở tỉnh Quảng Ngãi. Những năm gần đây, diện tích mía giảm dần. Hợp tác xã chuyên canh mía - Dịch vụ nông nghiệp xã Phổ Nhơn có hơn 310 ha mía. Năm 2013 diện tích mía ở đây giảm 30 ha, năm 2014 giảm thêm 40 ha và năm nay giảm khoảng 50 ha.

Ông Lương Văn Lai, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Hợp tác xã chuyên canh mía- Dịch vụ nông nghiệp xã Phổ Nhơn cho rằng, diện tích mía giảm là do cây trồng không hiệu quả. Giống mía do nhà máy đường cung cấp mà không hiểu sao chữ đường thấp.

Trong khi đó, Nhà máy đường Phổ Phong lại cho rằng, chữ đường thấp do nông dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật của Nhà máy. Khi lấy chữ đường tại ruộng, nông dân trộn mía kém chất lượng bên trong đống mía. Việc đổ lỗi cho nhau càng làm cho mối quan hệ giữa nông dân với Nhà máy đường ngày một xấu đi.

Ông Trần Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Huyện đã làm việc với Nhà máy đường và các hộ dân, HTX chuyên canh mía và đề nghị cả hai bên nông dân và Nhà máy đường đều cần phải có uy tín với nhau”./.

Theo CTV Anh Vinh/VOV.VN

Tệp đính kèm