Các nhà khoa học Mỹ cho biết quá trình thử nghiệm một loại vắcxin mới chống bệnh ung thư tế bào hắc tố (Melanoma) bước đầu đã mang lại kết quả đáng khích lệ.
(Nguồn: Washington University)
Theo tập san Science số ra mới đây, vắcxin mới này gia tăng số lượng và chủng loại tế bào T (T-cells), một loại bạch huyết sản sinh ra chất Lymphokine cho hệ miễn dịch của cơ thể con người giúp tấn công các khối u.
Các nhà nghiên cứu đã giải mã bộ gien của 3 bệnh nhân ung thư tế bào hắc tố giai đoạn cuối và so sánh các chuỗi gien này với các mẫu mô khỏe mạnh để xác định được các protein đã biến đổi. Những protein này được biết đến là kháng nguyên mới, và chỉ những kháng nguyên mới này tác động được tới các tế bào ung thư.
Tiếp đó, các nhà nghiên cứu sử dụng các chương trình máy tính và các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm nhằm xác định và kiểm tra những kháng nguyên mới có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể để đưa vào thành phần của vắcxin.
Bước tiếp theo là đưa vắcxin vào cơ thể 3 bệnh nhân nói trên.
Trước đó, các bệnh nhân này đã được phẫu thuật loại bỏ khối u ác tính nhưng không ngăn được các tế bào ung thư lan tới các u bạch huyết, chứng tỏ bệnh ung thư tế bào hắc tố sẽ tái phát.
Kết quả thí nghiệm ban đầu cho thấy có hiệu quả tốt và bệnh nhân chưa có phản ứng phụ. Do đó, Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Mỹ đã cho phép các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên cơ thể của 6 bệnh nhân khác.
Theo bác sỹ chuyên khoa ung thư Gerald Linette của trường Đại học Washington, người đứng đầu nghiên cứu trên, tuy chỉ mới bắt đầu, thí nghiệm lần này được kỳ vọng trở thành một phương pháp trị liệu mới.
Theo thống kê mới nhất, trong năm 2014, có khoảng 76.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc ung thư da tế bào hắc tố, trong số này 10.000 ca tử vong./.
(TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/my-phat-trien-vacxin-moi-chong-benh-ung-thu-te-bao-hac-to/315777.vnp