Đến thời điểm này, các trà lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch gần hết, thậm chí có nơi như Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang đã xuống giống vụ Xuân Hè gần nửa diện tích, nhưng kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ ngày 1/3 đến 15/4 vẫn chưa hoàn tất.
Thu mua lúa tạm trữ của nông dân vụ Đông Xuân. (Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN)
Nhìn chung giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở mức 4.200-4.500 đồng/kg lúa tươi tại ruộng và 4.700-5.200 đồng/kg lúa khô, so với cùng kỳ năm 2014, không có sự biến động nhiều.
Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tính đến ngày 1/4, các doanh nghiệp thu mua tạm trữ được 868.284 tấn gạo, đạt 86,83% chỉ tiêu kế hoạch, trong khi thời hạn thu mua tạm trữ sắp hết.
Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại diện tích lúa Đông Xuân của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 1,3/1,57 triệu ha, đạt 82,8% kế hoạch. Trong đó, hầu hết các tỉnh đã thu hoạch xong, chỉ còn lại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Long An và Trà Vinh sẽ hoàn thành thu hoạch trong giữa tháng 4/2015.
Tại những tỉnh đã hoàn tất thu hoạch lúa Đông Xuân, có những nơi nông dân bán lúa tại ruộng, kịp lúc với chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, cùng thời điểm, có nơi nhiều nông dân sẵn sàng bán lúa cho thương lái với giá cao hơn giá đã ký kết hợp đồng với các hợp tác xã nhận chỉ tiêu thu mua tạm trữ. Chính vì vậy nhiều hợp tác xã đã phải thu gom từ những hộ nông dân khác không thực hiện ký kết.
"Thế nhưng cũng có nơi, các hợp tác xã chưa đến, thương lái chưa thu mua, nhiều nông dân phải phơi lúa dọc các con đường, chất thành đống chờ giá và thương lái," ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, vụ Đông Xuân bắt đầu thu hoạch từ trước Tết Nguyên đán, sau Tết Nguyên đán Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo.
Thực hiện chương trình thu mua tạm trữ, VFA đã tiếp cận bảy ngân hàng thương mại để hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức cuộc họp cùng ủy ban nhân dân các tỉnh và các Sở, ban, ngành có liên quan để phân bố chỉ tiêu thực hiện hợp lý với từng địa phương.
Dù trong tuần đầu tiên nhận chỉ tiêu thu mua tạm trữ, có 12/128 doanh nghiệp hoàn toàn không tiếp cận được vốn ngân hàng và 10/128 doanh nghiệp không vay được vốn nhưng hầu hết các doanh nghiệp còn lại đều thực hiện tốt chỉ tiêu. Với những doanh nghiệp khó khăn này, Hiệp hội sẽ rút chỉ tiêu chuyển giao cho doanh nghiệp khác có khả năng hơn.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã An Thành, xã Phú Thành, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, cho biết kể từ khi thực hiện chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng từ 300-400 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa IR50404 từ 4.700 đồng/kg tăng lên 5.100 đồng/kg; lúa Jasmine từ 4.850 đồng lên 5.200 đồng/kg.
Nông dân hưởng lợi ít nhất
Mặc dù giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tăng nhưng ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng “các doanh nghiệp cần tạm trữ lưu thông” (tạm trữ để chờ giá cao mới bán ra).
Theo ông Xuân, trong thời gian qua, việc hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn lãi suất 0% để thực hiện thu mua lúa của nông dân khi vào vụ thu hoạch rộ là một giải pháp hay. Tuy nhiên, trong sự hỗ trợ này, nông dân chỉ được hưởng 20%, số còn lại phân phối đều cho các thành phần khác như doanh nghiệp, thương lái thu mua.
Giá lúa trong thời gian thực hiện thu mua tạm trữ có nhích lên nhưng người nông dân vẫn hưởng lợi ít nhất. Chương trình tạm trữ này chỉ giải quyết nhất thời cho lượng lúa của khu vực trong lúc thu hoạch rộ, đây không phải là một giải pháp có hiệu quả lâu dài.
Chính vì vậy, để cả doanh nghiệp và nông dân cùng hưởng lợi song song, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có nguồn nguyên liệu trực tiếp và chủ động. Theo đó, doanh nghiệp phải liên kết với nông dân thông qua các hợp tác xã để vừa có nguồn hàng ổn định, còn nông dân vừa có đầu ra ổn định và có kho lưu trữ miễn phí dài hạn từ các hợp tác xã. Như vậy, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều có thể tiến hành tạm trữ lưu thông cùng lúc mà chi phí hỗ trợ lại giảm một nửa.
Chia sẻ về vấn đề liên kết, ông Trần Tấn Đức, Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp, cho hay hiện nay Công ty Lương thực Đồng Tháp ký hợp đồng liên kết với 14 hợp tác xã và tổ hợp tác trong tỉnh với diện tích 2.000ha dưới ba hình thức, gồm chỉ đầu tư toàn bộ đầu vào làm giảm giá thành cho nông dân, chỉ đầu tư một phần đầu vào và bao tiêu sản phẩm và chỉ thu mua của nông dân chứ không đầu tư.
Theo ông Đức, nông dân có thói quen "mua tại đồng, bán tại nhà," không muốn mất chi phí vận chuyển đến nhà máy. Vì vậy, ngoài việc đặt hàng với các thương lái, doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã rất hiệu quả, cũng là cách xóa bỏ thói quen này của họ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh cho rằng chương trình tạm trữ chỉ là giải pháp tạm thời để giữ giá lúa ổn định trong vụ thu hoạch rộ, về lâu dài bản thân các doanh nghiệp phải chủ động nguồn nguyên liệu, liên kết với nông dân để có nguồn hàng chất lượng như mong muốn.
Mặt khác, cả nông dân và doanh nghiệp phải phối hợp, tập huấn cho họ các kỹ năng, các bước thực hiện liên kết hiệu quả hơn. Nếu thực hiện được điều này, các hợp tác xã và tổ hợp tác trở thành cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp thay cho lực lượng thương lái hiện nay./.
HỒNG NHUNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/mua-tam-tru-1-trieu-tan-gao-gia-lua-tang-nong-dan-huong-loi-it/316365.vnp