Tại hội thảo "Tác động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến kinh tế Việt Nam", ngày 9/4, nhiều ý kiến cho rằng cần nắn lại dòng vốn FDI để đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Hội thảo Tác động đầu tư trực tiếp nước ngoài đến kinh tế Việt Nam.
Ảnh: VGP/Huy Thắng
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, dòng vốn FDI được khơi thông nhanh chóng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới…
Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay tác động lan tỏa của DN FDI đối với nền kinh tế đã chững lại do khả năng hấp thụ vốn FDI hạn chế, chậm phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ cấu đầu tư chưa cân đối, chuyển giao công nghệ còn thấp...
Điển hình là Canon Việt Nam có 70 nhà cung cấp linh kiện phụ tùng, nhưng chỉ có 10 DN Việt Nam, số còn lại là DN FDI hoạt động tại Việt Nam. Khả quan hơn là Honda Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa 40%, nhưng chủ yếu vẫn là do các DN FDI hoạt động tại Việt Nam cung cấp. Còn đối với Samsung, các DN Việt Nam chỉ cung cấp được 10% linh, phụ kiện.
Thực tế này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước, đồng thời cần có những cơ chế thu hút FDI chọn lọc, gắn liền việc các ưu đãi về FDI với hoạt động chuyển giao công nghệ.
Đây cũng là quan điểm được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định tại cuộc gặp gỡ DN mới đây khi đã đến lúc phải tính toán đến việc không chỉ hút vốn FDI, tạo giá trị xuất khẩu đơn thuần, mà phải có chuyển giao công nghệ, quản trị tiên tiến từ đó nâng tầm sức cạnh tranh, làm cho chất lượng kinh tế Việt Nam tăng lên.
Ngoài ra, cần hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp FDI vào các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý về mua bán-sáp nhập có yếu tố của nước ngoài, qua đó đẩy mạnh gắn kết về công nghệ, lao động, thị trường và quản trị DN…
Về một số lo ngại DN FDI sẽ rời bỏ Việt Nam khi ưu đãi không nhiều như trước, cùng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng cho rằng điều này không quá lo ngại. Đôi khi có hiện tượng các DN nước ngoài tìm cách gây sức ép để hưởng ưu đãi, thực chất, doanh nghiệp muốn làm ăn nghiêm túc sẽ mong muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam, việc chuyển đổi môi trường đầu tư, nhà máy thường xuyên là không đơn giản.
Hơn nữa, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, quyết liệt.
“Chính phủ đã triển khai cải cách không phải như trước đây là so với chính mình, mà phấn đấu đạt tới tiêu chuẩn khu vực và quốc tế như ASEAN 6, ASEAN 4… là hướng đi đúng đắn”, GS. Nguyễn Mại nói.
Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn