Vừa qua, tại hội thảo "Hỗ trợ các chủ thể phi nhà nước tham gia Hiệp định thương mại tư do Việt Nam-EU" do Trường đại học Ngoại Thương và Viện Konrad Adenauer Stiftung Việt Nam (KAS) tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Vũ Huyền Phương, Trường đại học Ngoại Thương cho biết: Xuất khẩu của Việt Nam vào EU ước tính sẽ tăng thêm 75% đến năm 2020.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Theo Tiến sỹ Vũ Huyền Phương, xuất khẩu của Việt Nam và EU tăng sẽ kéo theo các hoạt động sản xuất được mở rộng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cơ hội việc làm...
Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu lao động từ Việt Nam sang nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ tăng đột biến.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho rằng: Hiệp định thương mại tư do Việt Nam-EU là một Hiệp định đầy tham vọng và toàn diện về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, mua sắm Chính phủ.
Ngoài loại bỏ thuế quan và những rào cản phi thuế quan, Hiệp định thương mại tư do Việt Nam-EU sẽ giải quyết nhiều vấn đề khác liên quan đến thương mại như: pháp lý, cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả chỉ dẫn địa lý.
Đánh giá về tác động của Hiệp định thương mại tư do Việt Nam-EU đối với Việt Nam, một số chuyên gia cho biết: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có thể xem là công cụ khai thông con đường xuất khẩu cho hàng Việt Nam khi các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã bão hòa như giá nhân công, tài nguyên hoặc yếu về thương hiệu, năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, thuế suất trung bình cho hàng hóa Việt Nam vào EU theo tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu nhập là khoảng 7%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều thách thức mà Việt Nam sẽ phải nỗ lực vượt qua, đặc biệt là quy trình tự chứng nhận xuất xứ.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam và nông dân trong nước sẽ phải gồng mình cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ EU.
Điển hình, sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa, năng lực đáp ứng các quy định nhập khẩu, khả năng về chiến lược kinh doanh, cập nhật thông tin, dự báo thị trường... là những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải cải thiện nhanh hơn nữa để hòa cùng xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương, vòng đàm phán mới nhất giữa hai bên vừa kết thúc vào tháng 3/2015 với nhiều kết quả tích cực, do đó hai bên kỳ vọng sẽ kết thúc được nhiều nội dung cơ bản và then chốt, cũng như thống nhất mục tiêu hướng tới kết thúc Hiệp định thương mại tư do Việt Nam-EU trong nửa đầu năm 2015./.
MỸ PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-cua-viet-nam-vao-eu-se-tang-them-75-den-nam-2020/319643.vnp