Cập nhật: 30/05/2014 15:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

 

Là một trong 13 tỉnh được Trung ương lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh tích cực triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở địa phương, bước đầu đạt được những kết quả như sau:

 

Về công tác chỉ đạo triển khai: Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Kế hoạch số 5895/KH-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2013 triển khai thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 2700/QĐ-CT thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, Kế hoạch số 295/KH-UBND tuyên truyền pháp luật về Thừa phát lại, Chỉ thị số 05/2014/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 25/TTr-TU ngày 25/12/2013 về lãnh đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Công tác thông tin, tuyên truyền về Thừa phát lại được chú trọng thực hiện một cách sâu rộng dưới nhiều hình thức và phương pháp khác nhau. Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị quán triệt chủ trương, mục đích và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Sở đã cử 6 đồng chí tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại, đã tiếp nhận, trình Bộ Trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và cấp Thẻ cho 04 Thừa phát lại.

Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho phép thành lập 3 Văn phòng Thừa phát lại tại Thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và huyện Vĩnh Tường. Sở Tư pháp đã cấp Giấy đăng ký hoạt động cho 3 Văn phòng Thừa phát lại và thông báo về nội dung đăng ký hoạt động của các Văn phòng cho các cơ quan có liên quan. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn tiếp nhận và thực hiện thủ tục đăng ký vi bằng và các thủ tục khác theo quy định.

Sau gần 6 tháng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, các văn phòng Thừa phát lại đã lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc tổng cộng 30 vi bằng. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự 02 vụ việc. Tổng doanh thu của 3 Văn phòng khoảng 40.000.000 đồng.

Tuy kết quả còn khiếm tốn, nhưng có thể khẳng định việc thí điểm chế định này đã bước đầu nhận được sự quan tâm ủng hộ của người dân trên địa bàn tỉnh.

Để việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian tới đạt kết quả, cần làm tốt một số công việc sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện chủ trương thí điểm chế định Thừa phát lại. 

Sở Tư pháp chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt, sâu sát đối với công tác này để thống nhất quan điểm chỉ đạo cũng như nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành cũng như kịp thời tháo gỡ những rào cản cho hoạt động của Thừa phát lại phát triển.

Hai là, phải chú trọng xây dựng và hoàn thiện thể chế về Thừa phát lại.

Thừa phát lại là một chế định mới, còn trong giai đoạn thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý còn đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện, do đó còn nhiều mới mẻ từ cơ chế lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước đến mô hình tổ chức, hoạt động, phạm vi công việc của Thừa phát lại…Nhận thức của cả người dân và cán bộ, công chức trong ngành tư pháp về chế định này còn hạn chế nên còn ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện. Do vậy, để tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Thừa phát lại, thì bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, Sở Tư pháp chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động Thừa phát lại.

Ba là, phải đẩy mạnh trong công tác thông tin, tuyên truyền về Thừa phát lại.

Chú trọng tuyên truyền, quảng bá trên internet như xây dựng Chuyên trang thông tin điện tử về Thừa phát lại trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp để làm kênh thông tin chính thống, tin cậy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi cần thông tin về Thừa phát lại có thể tìm từ Chuyên trang này như: văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, danh sách văn phòng Thừa phát lại đang hoạt động (địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh trụ sở,...), danh sách Thừa phát lại đang hành nghề và các tin tức hoạt động khác.

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho Thừa phát lại cũng là một trong những công tác quan trọng hàng đầu. Bên cạnh các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm do Bộ Tư pháp và các cơ quan Trung ương tổ chức, Sở Tư pháp chủ động tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ theo kiểu “cầm tay, chỉ việc”, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn công tác tại địa phương thường xuyên và chuyên sâu cho Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại.

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại.

Công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại là một công tác mới, nhiều vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ, rõ ràng mà những vấn đề phát sinh trong quá trình thí điểm chế định này khá đa dạng và đôi khi phức tạp. Do vậy, Sở Tư pháp phân công một phòng nghiệp vụ và bố trí một số cán bộ nhiệt tình, tâm huyết, có năng lực và kinh nghiệm chuyên trách tham mưu xuyên suốt về công tác này. Đối với các cơ quan phối hợp như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự... phân công cán bộ làm đầu mối để tăng hiệu quả của công tác phối hợp.

Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra tổ chức và hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại để kịp thời nắm bắt được thực tiễn hoạt động, những tồn tại, khó khăn của các Văn phòng, qua đó có biện pháp hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh thiếu sót./.

                                                                                               Minh Lượng

Tệp đính kèm