Cập nhật: 12/05/2015 08:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước làn sóng hội nhập và những rào cản về kỹ thuật của các nước nhập khẩu, nhiều DN cho rằng cần tập hợp các đầu mối quản lý thương mại cho nông sản thành “nhóm phản ứng nhanh” để giải quyết linh hoạt các vấn đề phát sinh.

 

Cần lập “nhóm phản ứng nhanh” để giải quyết linh hoạt việc xuất khẩu (XK)

nông sản hiện nay. Ảnh: ven

Thị trường mở: Cơ hội và thách thức

Ngày 6/5, Việt Nam-Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra một thị trường đầy tiềm năng. Ngoài ra, chúng ta cũng đang kỳ vọng sớm ký kết FTA Việt Nam-EU.

Về FTA với Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt, trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp...

Trong các ngành hàng nông sản chủ lực thì ngành hàng thủy sản, cụ thể là tôm, được coi là sẽ chịu tác động rất lớn từ FTA này.

Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam lớn thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, EU, và Trung Quốc. XK tôm sang thị trường này năm 2014 tăng 41,3% so với năm 2013, đạt 317,8 triệu USD và nhờ đó, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này trong năm vừa qua.

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì hiện nay công nghệ chế biến, trình độ nhân lực Việt Nam về tôm hơn hẳn so với các quốc gia sản xuất tôm trên thế giới. Việt Nam có 12 DN được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP) trong khi Thái Lan có 7 DN, Trung Quốc và Ấn Độ có 2 DN...

Tuy nhiên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Minh Phú Group (Đơn vị XK tôm đứng đầu Việt Nam) vẫn băn khoăn: “Lợi thế nhiều nhưng bất lợi không ít. Các DN XK tôm vẫn lo lắng các vấn đề như vai trò của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc can thiệp khi phát sinh vấn đề vi phạm các cam kết đối với các nước tham gia hiệp định; vốn đầu tư để DN vượt qua các rào cản kỹ thuật; Luật Lao động và một số cơ chế chính sách của Việt Nam khiến DN gặp nhiều bất cập trong cách tính, quy định về chế độ, ngày giờ làm việc”…

Đây là lo lắng chung của nhiều DN khi đứng trước sự rộng mở của thị trường.

Lập “Nhóm phản ứng nhanh”

Trong cuộc gặp gỡ mới đây với đại diện các DN xuất khẩu nông sản lớn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc của DN liên quan đến XK nông sản.

Một vấn đề được các DN nêu lên đó chính là việc phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục thương mại đã làm giảm sức cạnh tranh nông sản Việt. Cùng với đó, DN cũng đưa ra đề nghị cần xem xét lại hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại không nên coi là việc của riêng các tham tán, thương vụ ở nước ngoài mà có vai trò quan trọng của bộ ngành trong nước.

Theo kiến nghị của đại diện nhiều hiệp hội về thương mại nông sản, cần phải có một nhóm “phản ứng nhanh” cho xuất khẩu nông sản trong thời điểm hội nhập hiện nay.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP nêu thực tế: “Mạng lưới tham tán thương mại hiện nay khá rộng nhưng xử lý rất thụ động nhiều vấn đề thị trường cả ngắn hạn và dài hạn. Ngay như hiệp hội của chúng tôi đã 4 năm nay thường kỳ ra một bản tin thương mại 32 trang, cung cấp đều đặn cho các tham tán, nhưng số lượng phản hồi lại thì rất ít”.

Lắng nghe những kiến nghị của DN, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã đồng ý với chủ trương sẽ thành lập một nhóm công tác “phản ứng nhanh” để trực tiếp xử lý kịp thời vướng mắc, tồn đọng của DN trong XK nông sản.  

Nhóm công tác này sẽ tổ chức thường xuyên đối thoại với các hiệp hội, ngành hàng nhằm nắm bắt cụ thể, kịp thời yêu cầu của DN và thị trường, thông qua đó sẽ tìm ra đối sách kịp thời và hiệu quả.

Đỗ Hương

Theo Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm