Cập nhật: 21/05/2015 09:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Chính phủ đề nghị quyết toán số bội chi năm 2013 là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các con số được Quốc hội quyết định cho nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2013 gồm: Tổng số thu là 816.000 tỷ đồng; tổng số chi là 978.000 tỷ đồng và bội chi 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP, sau được điều chỉnh là 195.500 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2013 với tổng số thu cân đối là 1.084.064 tỷ đồng, tổng số chi cân đối là 1.277.710 tỷ đồng và bội chi 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP (vượt 41.269 tỷ đồng). Trong số tăng chi hơn 41 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải là do tăng chi từ nguồn vốn ODA là 29.422 tỷ đồng và tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng phát sinh năm 2011, nên theo quy định phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng.

Cụ thể, số tăng chi vốn ODA chủ yếu cho đầu tư (28.682 tỷ đồng), gồm: Đầu tư các dự án cần đẩy nhanh tiến độ nên giải ngân cao hơn dự kiến, như dự án Cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải, cầu Nhật Tân, Đường sắt Đô thị Hà Nội-Hà Đông… và có 5.773 tỷ đồng giải ngân từ năm trước, sang năm 2013 đủ thủ tục đã ghi chi vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Số tăng chi đầu tư nêu trên chủ yếu cho lĩnh vực giao thông, nông và lâm nghiệp. Bên cạnh đó nhờ kiểm soát chặt chẽ và tiết kiệm chi ngân sách từ nguồn vốn trong nước giảm 1.343 tỷ đồng nên mức tăng bội chi là 41.269 tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết về nguồn vay bù đắp bội chi: Vay trong nước 180.347 tỷ đồng; vay ngoài nước 56.422 tỷ đồng. Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi NSNN nêu trên, tính đến 31/12/2013, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 42,6%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 37,3%, nợ công bằng 54,5%; trong giới hạn theo quy định của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển khi trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013 nhấn mạnh, việc tăng bội chi so với mức báo cáo Quốc hội thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Tuy nhiên, đây là số đã phát sinh, do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán số tiền này.

Trong chi ngân sách Nhà nước 2013, báo cáo thẩm tra cũng nêu một số thông tin đáng chú ý. Như, do khó khăn về nguồn bố trí để xử lý cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển, nên còn nợ 2 ngân hàng này rất lớn. Đến hết năm 2013 nợ 11.600 tỷ đồng, đến hết năm 2014 nợ 15.200 tỷ đồng. Ngoài ra,  đối với khoản 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư... theo nghị quyết của Quốc hội mới triển khai, tỷ lệ giải ngân còn thấp.

Ủy ban thẩm tra đề nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn để tiếp tục thực hiện và đề nghị Chính phủ có giải pháp phù hợp để đảm bảo giải ngân nguồn vốn này kịp thời, hiệu quả.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã lưu ý việc cơ cấu ngân sách còn nhiều điểm đáng lo ngại khi chi thường xuyên, lương ngày càng lớn, phần dành cho đầu tư phát triển ngày càng giảm. Nguồn thu ngân sách nội địa tăng chậm, trong khi bội chi có giảm, nhưng chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, nhấn mạnh đến tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành tài chính-ngân sách. Bên cạnh đảm bảo nguồn thu, sẽ kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước. Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 để ưu tiên trả nợ, tăng chi đầu tư phát triển...

Các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, sự nghiệp công. Cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài, mua xe công…

Huy Thắng/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm