Sớm lắp đặt hệ thống giám sát an ninh các nguồn phóng xạ di động ở Việt Nam là một trong những đề xuất quan trọng được đưa ra tại Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ 2, diễn ra tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) từ 19-21/5.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)
Sau nhiều phiên thảo luận, các chuyên gia và đại biểu đã cùng bàn bạc, góp ý và đưa ra một số giải pháp khắc phục bất cập công tác quản lý thiết bị chứa nguồn phóng xạ (nhất là nguồn phóng xạ di động) tại Việt Nam. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến áp dụng các giải pháp kỹ thuật cao hỗ trợ cho công tác quản lý bao gồm lắp đặt các thiết bị giám sát an ninh cho tất cả các nguồn phóng xạ loại 1 và 2 được sử dụng cố định, lắp đặt thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ cho các thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp (NDT) và yêu cầu cơ sở vận chuyển nguồn phóng xạ phải trang bị thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ cho phương tiện.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị giải pháp yêu cầu chủ cơ sở thu mua phế liệu sắt thép và các cơ sở sử dụng sắt thép phế liệu để luyện thép phải đặt thiết bị kiểm soát nguồn phóng xạ, nhằm đảm bảo an toàn cũng như phòng ngừa rủi ro khi có thiết bị chứa nguồn phóng xạ thất lạc trôi nổi.
Theo thống kê của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), cả nước hiện có gần 4.000 nguồn phóng xạ theo các nhóm nguồn với các mức độ tiềm tàng nguy hiểm khác nhau. Trong đó có 2.017 nguồn phóng xạ đang sử dụng với 1.337 nguồn sử dụng cố định và 680 nguồn di động. Các nguồn phóng xạ di động được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp như máy đo độ ẩm chặt, khoan thăm dò dầu khí, dò chất nổ trong kiểm tra an ninh, đo không phá huỷ… và hầu hết được các cơ sở tự lưu trữ, sử dụng. Hai năm gần đây, nhiều vụ việc thất lạc nguồn chứa phóng xạ di động ra ngoài liên tục xảy ra đã gây hoang mang, lo lắng cho người dân./.
NGUYỄN DŨNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/som-lap-dat-he-thong-giam-sat-an-ninh-cac-nguon-phong-xa-di-dong/323932.vnp