Cập nhật: 26/05/2015 09:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay việc phát triển cây cà phê đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tái canh hàng trăm nghìn ha cà phê đang bị già cỗi, trong đó, vốn đầu tư là vấn đề quan trọng.

Chăm sóc cây cà phê. Ảnh: VGP/Thế Phong

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng phát triển ngành cà phê Việt Nam. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN, dư nợ cho vay cà phê trên toàn quốc đến cuối năm 2014 đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, trong đó khu vực Tây Nguyên chiếm hơn 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo các địa phương, việc cho vay tập trung chủ yếu ở các khâu sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân, nguồn vốn cho vay tái canh cây cà phê còn khiêm tốn. Trong các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên, chỉ có Ngân hàng NN&PTNT là đơn vị mạnh dạn cho vay tái canh cây cà phê, song đến nay dư nợ cho vay tái canh cây trồng này mới chỉ đạt 585 tỷ đồng.

Trong bối cảnh khó khăn đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương cho vay ưu đãi để tái canh cây cà phê. Theo đó, nguồn vốn tín dụng cho vay tái canh cây cà phê giai đoạn 2014-2020 là từ 12.000-15.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, HTX, hộ dân thực hiện tái canh cây cà phê sẽ được ngân hàng cho vay tới 150 triệu đồng/ha, thời hạn vay đến 8 năm đối với việc tái canh theo phương pháp trồng mới và cho vay 80 triệu đồng/ha, thời hạn vay 4 năm đối với tái canh theo phương pháp ghép cải tạo cà phê.

Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, việc cho vay tái canh cà phê từ chủ trương của Thủ tướng Chính phủ được bà con nông dân rất quan tâm vì đây là lời giải cho bài toán khó khăn về nguồn vốn. Nếu thực hiện tốt chủ trương này, doanh nghiệp, HTX và người nông dân có điều kiện tái canh, chăm sóc vườn cà phê hiệu quả, qua đó, từng bước nâng cao giá trị và sản lượng cây cà phê.

Tuy nhiên, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho rằng trước mắt các địa phương Tây Nguyên cần triển khai quy hoạch cụ thể vùng tái canh cây cà phê để ngân hàng có căn cứ để xây dựng phương án cho vay. Đồng thời, xác định, lựa chọn vị trí, diện tích tái canh cây cà phê theo hình thức cuốn chiếu, nhằm tập trung huy động nguồn lực thực hiện tái canh cây cà phê có hiệu quả.

Các tỉnh cũng mong muốn ngành Ngân hàng cùng với Bộ NN&PTNT có biện pháp triển khai và giải ngân sớm nguồn vốn để người trồng cà phê tin tưởng phá bỏ những vườn trồng cà phê già cỗi không hiệu quả, thực hiện nghiêm túc quy trình tái canh cà phê bằng các giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về cho vay tái canh cây cà phê, Ngân hàng NN&PTNT cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ dành khoảng 10.000 tỷ đồng nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất thấp hơn 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường để cho vay tái canh cây cà phê. Đồng thời, sẽ sớm ban hành sản phẩm hướng dẫn cho vay tái canh cây cà phê, chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng phương án nhu cầu vốn tái canh cho từng năm, theo từng địa bàn cụ thể.

Hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trên địa bàn Tây Nguyên cũng như cả nước, mạnh dạn thực hiện tái canh cây cà phê, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam.

Thế Phong

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm