Dự báo này được nêu trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập”, vừa được công bố.
Mới đây, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề: “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập”.
2 kịch bản cho tăng trưởng và lạm phát 2015
Báo cáo đưa ra dự báo 2 kịch bản về tăng trưởng và lạm phát cả năm 2015 của Việt Nam. Theo đó, ở kịch bản 1, tăng trưởng có thể đạt 6,1%, lạm phát 1,9%. Còn kịch bản 2, tăng trưởng ở 6,3%, lạm phát có thể 3,2%.
Sở dĩ đưa ra dự báo này, TS Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho biết: Năm 2015, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục ở mức vừa phải và tăng nhẹ so với năm 2014 với kỳ vọng nền kinh tế Mỹ, Đức và Anh tiếp tục là những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng. Ẩn sau sự phục hồi kinh tế với tốc độ chậm chạp là do tồn tại các xu hướng trái chiều, khó khăn và thuận lợi đan xen gây ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
Trong đó, có một số yếu tố có thể sẽ tác động nhanh đến nền kinh tế Việt Nam như: Mỹ dự kiến sẽ điều hành thắt chặt chính sách tiền tệ bằng công cụ lãi suất trong tháng 6/2015 có thể gây ra áp lực nhất định lên tỷ giá hối đoái đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đồng USD mạnh lên sẽ đòi hỏi việc điều hành chính sách tỷ giá phải linh hoạt hơn.
Cùng với đó, đối với danh mục vay nợ nước ngoài, nếu đồng USD tăng mạnh trong thời gian tới thì các khoản nợ nước ngoài phải trả bằng tiền USD có thể sẽ phải gánh chi phí nợ cao hơn. Ngay cả việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại theo hướng bền vững hơn sẽ giúp nước này duy trì lạm phát ở mức thấp. Khi đó những nước phụ thuộc vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc như Việt Nam cũng có thể sẽ được hưởng lợi nhờ giá rẻ hơn. Tuy nhiên, khi nhập khẩu hàng từ Trung Quốc, các nhà nhập khẩu vẫn cần phải thắt chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Giá dầu thế giới trong thời gian tới cũng được dự báo sẽ dần dần tăng nhẹ do nguồn cung thế giới đã thu hẹp hơn giai đoạn đỉnh như hồi đầu năm 2014. Với xu hướng như vậy, các cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp vận tải sẽ không còn được hưởng lợi nhiều từ việc giảm giá dầu như năm 2014 nữa. “Việt Nam là nước vừa sản xuất vừa tiêu thụ xăng dầu nên phần thu ngân sách Nhà nước từ việc xuất khẩu dầu thô sẽ được cải thiện hơn, nhưng do giá sản phẩm xăng dầu sẽ có xu hướng tăng lên nên giá thành sản xuất sẽ tăng trở lại và có thể sẽ gây áp lực nhất định lên chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2015”- TS Thành nhận định.
Dự báo tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản – các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, sẽ lạc quan hơn trong năm 2015 có thể sẽ tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS Thành, “các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các thị trường có hệ thống hàng rào kỹ thuật đối với thương mại rất khắt khe này”.
Có thể xuất hiện một vòng xoáy lạm phát - tỷ giá mới
Chỉ ra một số vấn đề trong ngắn hạn với nền kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, thâm hụt ngân sách là một vấn đề của năm 2015 và có thể kéo dài sang 2016. Điều này phản ánh cấu trúc của nền kinh tế và chất lượng quản trị của chính quyền trung ương và các cấp. Cách sử dụng phương tiện tài trợ cho thâm hụt cao bất thường của năm 2015 sẽ quyết định cân đối vĩ mô của năm 2016.
TS Thành dẫn ví dụ, nếu Chính phủ sử dụng dự trữ ngoại hối để tài trợ cho thâm hụt ngân sách (kể cả dưới hình thức tạm ứng) thì vẫn gây ra những phản ứng (niềm tin) đối với chính sách tiền tệ và tài khóa. Tỷ giá là vấn đề của hiện tại và cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế diễn biến của thị trường tiền tệ thế giới. Các cân đối vĩ mô hiện nay có thể bị phá vỡ trong năm 2016 và tạo ra một vòng xoáy lạm phát - tỷ giá mới.
Bên cạnh đó, tính tổn thương của hệ thống ngân hàng, khả năng chịu đựng cú sốc mạnh là thấp, tính bất trắc trong “sức khỏe” thực sự của từng ngân hàng. Định hướng các ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu cần được thị trường hóa nhiều hơn nữa để tăng sức cạnh tranh, phát huy sức mạnh của khu vực doanh nghiệp trong ngành.
Dẫn điển hình như ngành lúa gạo, TS Thành cho rằng, cần nới lỏng các điều kiện xuất khẩu, tăng cường vai trò của các nhân tố nội sinh (hệ thống doanh nghiệp xay xát) làm nền tảng cho các liên kết dọc trong ngành, xây dựng năng lực cạnh tranh cho ngành.
Cùng với đó, lợi ích tham gia TPP đối với Việt Nam là tích cực và mang tính nền tảng, tác động đến cấu trúc nền kinh tế thông qua ảnh hưởng khác nhau giữa các ngành và lĩnh vực. Lợi ích từ TPP sẽ lớn hơn nếu gỡ bỏ ràng buộc lên các yếu tố sản xuất căn bản như vốn, lao động, quan hệ mật thiết tới cách cách hành chính và cải cách đất đai thể chế.
Liên quan đến chính sách tỷ giá, khuyến nghị của Báo cáo lần này là cần “linh hoạt theo hướng giảm giá VND, duy trì hoặc tiếp tục tăng cường dự trữ ngoại hối để tăng niềm tin đối với chính sách tiền tệ. Đồng thời, tiếp tục cải cách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại nhằm tạo tiền đề cho sự hồi phục tỷ suất sinh lời, tăng tích lũy vốn cho hệ thống. Tiếp tục tái cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro cao.
Không những thế, cần áp dụng hợp lí các hàng rào kĩ thuật cho hàng nhập khẩu và tăng nhận thức về hàng rào kĩ thuật của các nước xuất khẩu. Cải cách mạnh thể chế trong nước, tạo sự linh hoạt các yếu tố sản xuất di chuyển qua biên giới.
“Vấn đề dài hạn vẫn là tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng. Điều này đòi hỏi những chương trình cải cách đồng bộ trong lĩnh vực hành chính, thể chế và các chiến dịch thay đổi trong hệ thống doanh nghiệp về tinh thần tăng năng suất, hiệu quả trong bản thân mỗi doanh nghiệp”- TS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh./.
Theo Xuân Thân/VOV.VN