Cập nhật: 03/06/2015 08:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Năm nay, sự trỗi dậy của lạm phát có phần đậm hơn so với năm ngoái cộng thêm áp lực tăng lãi suất vào thời điểm cuối năm sẽ khiến doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn hơn.”

Doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn trước áp lực về lạm phát. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cùng trao đổi với phóng viên VietnamPlus về tình hình kinh tế-xã hội sau gần nửa chặng đường của năm với những thách thức vẫn còn đang ở phía trước.

Niềm tin phục hồi

- Ông nhìn nhận thế nào về những chỉ số kinh tế-xã hội trong 5 tháng đầu năm đã đạt được?

Như chúng ta đã thấy, kết thúc năm 2014, tình hình kinh tế trong nước bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi.

Năm tháng đầu năm 2015, nhiều chỉ số kinh tế được cải thiện, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,2%, chỉ số tồn kho tăng 11,5% (song thấp hơn mức tăng 12,6% cùng thời điểm năm 2014).

Thêm vào đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là hơn 7.400 doanh nghiệp, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy niềm tin vào những cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đang gia tăng.

Ngoài ra, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện nhờ đó vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đăng ký trong năm tháng cũng tăng mạnh và đạt 4,29 tỷ USD (tăng 78% so với cùng kỳ năm 2014).

Điểm lạc quan là số lượng việc làm cho người lao động được cải thiện, cụ thể lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,9%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,5% và doanh nghiệp FDI tăng 10,6%.

Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng đã có những chuyển biến, với các hoạt những hoạt động mua bán sáp nhập tăng mạnh, thanh khoản giữa của tổ chức tín dụng cũng được cải thiện, các biện pháp xử lý nợ xấu đang dần phát huy hiệu quả.

Năm tháng, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đã mua 13.180 tỷ đồng nợ xấu (giá mua nợ 16.467 tỷ đồng), lũy kế từ khi thành lập Cơ quan này đã mua được 153.000 tỷ đồng nợ xấu (giá mua nợ khoảng 122.000 tỷ đồng.)

Một điểm cơ bản đáng ghi nhận khác, đó là sự nỗ lực của các ban ngành trong hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam (gạo, càphê, cao su, thủy sản, rau quả các loại…)  sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật…

Mối lo thâm hụt thương mại

- Thưa ông, vậy triển vọng kinh tế trong nửa cuối năm đã thực sự khả quan?

Mặc dù tín hiệu phục hồi là có, song về cơ bản nền kinh tế vẫn chưa có sự đột phá và ổn định rõ ràng, bên cạnh đó còn ẩn chứa nhiều thách thức.

Cụ thể, nhập siêu có xu hướng tăng trở lại, đây là một điểm rất đáng chú ý. Trong 5 tháng, thâm hụt thương mại lên gần 3 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản xuất khẩu đang có xu hướng giảm mạnh, như cà phê giảm 39,6% về lượng và giảm 38,2% về kim ngạch; gạo giảm 7,4% và giảm 10,7%  về kim ngạch.

Hơn nữa, một trong những mối đe dọa hàng đầu phải kể đến, đó là tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc tăng trở lại và đạt trên 13 tỷ USD  trong 5 tháng qua.

Về đời sống xã hội, chỉ tiêu an sinh cũng đang gia tăng áp lực, đặc biệt là hộ nghèo và người nghèo gia tăng hơn năm ngoái khoảng 25%,  nguyên nhân đến từ thiên tai khắc nghiệt, hạn hán, cháy rừng…

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong 5 tháng đã bị sụt giảm, sản lượng lúa Đông Xuân phía Bắc đạt 7,2 triệu tấn, giảm từ 40.000-70.000 nghìn tấn so với vụ Đông Xuân 2014, do ảnh hưởng từ thời tiết diễn biến bất thường và sâu bệnh phát sinh gây hại.

Tương tự, các địa phương phía Nam chỉ gieo sạ được 1,1 triệu ha lúa hè thu, bằng 91% cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do thời tiết nắng hạn kéo dài nên tiến độ gieo cấy lúa vụ hè thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra phải nhắc đến dịch vụ du lịch, số lượng khách đến Việt Nam đã giảm đến 13% so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu rất xấu trong lịch sử phát triển của ngành này, mức sụt giảm được ghi nhận ở các châu lục và các hình thức du lịch.

Nguy cơ lạm phát

- Vậy, theo ông đâu là những thách thức phải vượt qua để đạt được những mục tiêu tăng trưởng Quốc Hội đã thông qua?

Đầu năm Quốc Hội, Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế-xã hội khá lớn với mức tăng tưởng GDP 6,2% và để đạt được chỉ tiêu này sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Năm nay, sự trỗi dậy của lạm phát có phần đậm hơn so với năm ngoái cộng thêm áp lực tăng lãi suất vào thời điểm cuối năm sẽ khiến doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động còn rất cao với gần 4.000 đơn vị, số khó khăn dừng hoạt động lên tới gần 23.000 doanh nghiệp trong năm tháng đầu năm.

Trên thị trường thế giới, giá dầu có những biến động rất phức tạp, trung tuần tháng Năm giá dầu thô đã tăng trở lại vượt mốc 60 USD/thùng, trong khi hồi đầu năm giá dầu có thời điểm xuống mức 47 USD/thùng, bên cạnh đó là sự tăng giá của USD do lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh.

Trong nước, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng đứng trước sức ép tăng giá, thêm vào đó, độ trễ của chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế cùng cũng như xu hướng tín dụng đối với nền kinh tế.

Đáng chú ý, mặc dù chỉ số bán lẻ có dấu hiệu tốt với doanh thu năm tháng đạt 997.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, mức chi tiêu lại nằm ở nhóm hàng xa xỉ, như ô tô các loại tăng 20%, khiến kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng tới 185,7%, giá trị nhập khẩu ô tô các loại đạt 2,3 tỷ USD.

Trong khi trên thực tế, tiêu dùng trong nước lại hầu như chưa có chuyển biến lớn, bằng chứng cho thấy người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu, lượng tiền gửi tiết kiệm thấp hơn khoảng 1% so với năm ngoái./.

 

HẠNH NGUYỄN (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-se-con-gap-kho-khan-hon-truoc-ap-luc-ve-lam-phat/325806.vnp

Tệp đính kèm