Các nhà khoa học Hà Lan cho biết họ đang phát triển một hệ thống mang tính cách mạng để một ngày nào đó có thể giúp các ngôi làng xa xôi hẻo lánh trên toàn thế giới tự sản xuất được điện sinh hoạt một cách ổn định từ các loại cây trồng dưới nước, chẳng hạn như lúa nước.
Nhà khoa học Marjolein Helder bên cạnh sản phẩm của mình. Ảnh: gelderlander.nl
Theo nhà khoa học Marjolein Helder, người đồng sáng lập cơ sở Plant-e tại thành phố Wageningen miền Đông Hà Lan - nơi chuyên tạo ra các sản phẩm sản sinh năng lượng từ các loài thực vật sống, hệ thống nói trên được phát triển dựa theo nguyên tắc tận dụng nguồn năng lượng hữu cơ dư thừa do thực vật tạo ra trong quá trình quang hợp.
Trong quá trình này, năng lượng được giải phóng qua rễ cây, các vi sinh vật hấp thụ nguồn năng lượng này và giải phóng các electron. Xác định được cơ chế này, các nhà khoa học đã đặt các điện cực carbon gần rễ cây để chúng kết hợp với các electron và tạo ra nguồn điện.
Tính năng của hệ thống trên vượt trội hơn hẳn so với năng lượng gió và năng lượng mặt trời bởi nó có thể liên tục tạo ra năng lượng kể cả vào ban đêm và kể cả khi không có gió. Tất cả những gì cần có để hệ thống này sản xuất được điện năng chỉ là một loài thực vật phát triển trong môi trường nước, chẳng hạn như cây đước mọc ở đầm lầy hay cây lúa nước...
Việc sản xuất điện chỉ chấm dứt nếu vùng nước đó trở nên khô hạn hoặc bị đóng băng. Tuy nhiên, chỉ cần được bổ sung nước hoặc đợi băng tan chảy, quá trình sản xuất điện năng sẽ được nối lại.
Cựu Bộ trưởng Môi trường Hà Lan Jacqueline Cramer nhận định mặc dù đây mới chỉ là bước khởi đầu và vẫn còn cần phát triển rất nhiều, nhưng hệ thống nói trên có tiềm năng rất lớn. Nếu được phát triển đúng hướng, hệ thống này có thể cung cấp điện năng cho các khu vực xa xôi hẻo lánh, thậm chí có thể lắp đặt tại các thành phố cũng như các vùng nông thôn để cung cấp nguồn điện sạch.
Theo bà Cramer, việc tạo ra nguồn điện từ các loài thực vật không phải là phát hiện mới, song điều đặc biệt ở đây là hệ thống mà các nhà khoa học Hà Lan đang phát triển không gây hại cho cây trồng.
Nguyễn Thơ
Theo Chinhphu.vn