Các giải pháp bao gồm giám sát và xử lý nghiêm quá trình thực thi của đội ngũ thừa hành công vụ và luân chuyển đội ngũ cán bộ tại địa bàn nhạy cảm.
Lực lượng quản lý thị trường thu giữ phân bón giả, kém chất lượng. (Ảnh: KT)
Thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, nhất là trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp đang trở nên phức tạp là vấn đề được nhiều Đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, vấn đề hàng giả, hàng nhái là chủ đề đã được nêu ra trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Đây là thực tế mà trách nhiệm thuộc về ngành Công Thương, trong đó có việc phát hiện xử lý vi phạm gian lận thương mại của lực lượng quản lý thị trường đã làm nhưng chưa tốt.
Trong 5 tháng đầu năm 2015, với sự nỗ lực của lực lượng quản lý thị trường trong việc phối hợp với các lực lượng khác tại nhiều địa phương, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 Trung ương, chúng ta đã làm khá tốt các vấn đề liên quan đến mặt trận chống hàng giả. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn, Bộ Công Thương cam kết trong thời gian tới sẽ làm tốt hơn nữa trong công tác phòng chống buôn lậu hàng giả, hàng nhái, đặc biệt trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã vào cuộc chủ trì cùng 4 Bộ, ngành gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc làm việc liên tịch, sau đó đã ra Thông tư hợp tác. Theo đó, 4 cơ quan với vai trò chủ trì trung gian của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ thực hiện việc giám sát quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.
Giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong thời gian tới theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ bao gồm 3 nhóm biện pháp. Trong đó có việc giám sát và xử lý nghiêm quá trình thực thi công vụ, đội ngũ thừa hành, lực lượng chức năng phải gương mẫu, tránh tiêu cực nhằm tiếp tay cho đối tượng buôn lậu.
Tăng cường áp dụng quy chế trách nhiệm của người đứng đầu, có kế hoạch luân chuyển vị trí cán bộ tại các địa bàn nhạy cảm. Quan trọng hơn trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái là tránh dàn trải, từ đó lựa chọn những vấn đề nhức nhối nhất để xử lý các mặt hàng có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN