Với tư cách là thành viên Hội đồng biên soạn sách Lịch sử Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi xin nói: Sinh thời, Người đến thăm và làm việc tại Đài 6 lần.
Bác Hồ trong một lần tới thăm Đài TNVN (Ảnh tư liệu)
Tạp chí Truyền hình Hà Nội của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội số 127/2015 có bài “Bác Hồ trong ký ức của những người làm báo” của tác giả Chi Dương. Bài báo có đoạn: “Với Đài Tiếng nói Việt Nam, 7 lần được đón Bác tới thăm là cả bảy lần tràn đầy niềm vui”.
Với tư cách là thành viên Hội đồng biên soạn sách Lịch sử Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi xin nói lại với tác giả Chi Dương: Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Sinh thời, Người đến thăm và làm việc tại Đài 6 lần.
Lần đầu tiên là trưa ngày 9 tháng 3 năm 1946, Bác đến Phòng Bá âm của Đài đặt tại số 4 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội trực tiếp nói chuyện với đồng bào, chiến sỹ cả nước, giải thích Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp 6/3/1946. Người khẳng định: “Đồng bào hãy tin rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước” như các đảng phái phản động xuyên tạc.
Lần thứ hai: Trưa ngày 23 tháng 10 năm 1946, vừa ở Pháp về, Bác đến ngay phòng Bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặt tại số 4 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội. Mở đầu cuộc nói chuyện trực tiếp với đồng bào, chiến sỹ, Bác xúc động nói: “Hỡi đồng bào toàn quốc. Tôi đi vắng đã hơn 4 tháng. Hôm nay về đến nước nhà, trông thấy Tổ quốc, trông thấy Đồng bào, tôi thật là vui vẻ.” Sau đó Bác giải thích về Hiệp định sơ bộ 14 tháng 9 năm 1946 Bác vừa ký với Chính phủ Pháp tại Paris nhằm tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến. Người nhấn mạnh: thời gian lúc này, từng khắc, từng ngày là quý hơn vàng. Cuối cùng Bác xúc động nghẹn ngào nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng, với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm với toàn thể nhân dân, Nam Bộ yêu quý nhất định trở lại trong lòng Tổ quốc.”
Lần thứ 3 là đêm Giao thừa Tết Đinh Hợi (21/1/1947) Bác Hồ đến thăm, chúc tết cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam đang sơ tán tại Chủa Trầm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Tại đây Đài đã ghi âm bài thơ Chúc Tết của Người gửi đồng bào, chiến sỹ trong nước, kiều bào ở nước ngoài và phát vào chương trình 6 giờ sáng ngày Mùng Một Tết Đinh Hợi (22/1/1947):
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sỹ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập, nhất định thành công.”
Lần thứ 4: Một ngày cuối chiều đầu năm 1955, Bác Hồ đến thăm cán bộ nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại 56 – 58 Quán Sứ Hà Nội. Người căn dặn: “Bây giờ kháng chiến đã thành công, nhưng mới dành được độc lập, tự do cho nửa nước. Nhiệm vụ cách mạng còn lâu dài, gian khổ, cán bộ phải giữ vững ý chí cách mạng, đề phòng những viên đạn bọc đường.”
Lần thứ 5: Sáng 5 tháng 9 năm 1960, trong giờ giải lao, Bác Hồ đến tận xe thu thanh lưu động của Đài thăm cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên đang ghi âm lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Người dạy: “Muốn làm phát thanh tốt thì tay nghề phải cao.”
Lần thứ 6: Khoảng 8 giờ tối một ngày đầu năm 1961, Bác Hồ đến thăm cán bộ, biên tập viên, phát thanh viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam đang làm việc tại Phòng Bá âm (nay là Trung tâm Âm thanh) ở 37 Bà Triệu Hà Nội. Tại đây Bác nhắc nhở: “Nước còn nghèo nên phải biết tiết kiệm, tự lực, tự cường.”
Đến nay (2015) với nguồn tư liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam ghi lại, được Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia thẩm định, xuất bản thành sách khẳng định 6 lần Bác Hồ đến thăm, làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Nếu đọc giả, thính giả nào có thêm nguồn tư liệu về Bác Hồ đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam xin gửi về Đài. Đây sẽ là tư liệu quý góp phần làm dày thêm truyền thống tốt đẹp của Đài phát thanh Quốc gia.
Cũng trong bài báo này, tác giả Chi Dương viết: “Khi thấy nhà báo Nguyễn Văn Thân mặc áo tuột chỉ ở nách, Bác cười và nói với chị Dương Thị Thanh Ngân, phụ nữ duy nhất có mặt hôm đó: “Cô nhớ khâu áo cho chú này nhé”. Chính từ lần vá áo đó mà sau này hai nhà báo Nguyễn Văn Thân và Dương Thị Thanh Ngân về sau nên duyên, thành vợ, thành chồng”.
Trong hồi ký của Cố nhà báo Trần Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Viêt Nam, hồi ký của cố nhà báo Nguyễn Văn Thân (Nguyễn Văn Nhất) cố nhà báo, nữ Phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam Dương Thị Ngân (Thanh Ngân) thì người mặc áo bị rách ở khuỷu tay là ông Phan Nghiêm. Trong hồi ký: “50 năm, Đài Tiếng nói Việt Nam, những chặng đường gian nan và kỳ thú” nhà báo Trần Lâm viết: “Thấy anh Phan Nghiêm, phụ trách bộ phận Điện ảnh của Nha thông tin mặc áo bị rách ở khuỷu tay, Bác chỉ vào chỗ rách bảo chị Ngân: ở đây có mình cháu là phụ nữ, cháu nên vá những chỗ quần áo rách cho anh em.”
Xin nói lại cho rõ, cho đúng./.
Theo Vĩnh Trà/VOV.VN