Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các phương án tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt.
Ảnh minh họa
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu DNNN một cách nghiêm túc, theo đúng các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, xác định tái cơ cấu DNNN là một trong 3 trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Hầu hết các cấp, các ngành đã quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN theo tiến độ và kế hoạch đề ra.
Cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới tổ chức, hoạt động, quản lý, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN đã được ban hành tương đối đầy đủ để đổi mới hoạt động của DNNN và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt kết quả tương đối khả quan, giá trị thu về bình quân bằng 1,15 lần giá trị đầu tư.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN còn chậm, số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong 6 tháng cuối năm là khá nhiều, nếu các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp không tập trung, quyết liệt thực hiện thì sẽ không hoàn thành được kế hoạch tái cơ cấu DNNN năm 2015 cũng như kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015.
Khẩn trương ban hành các chính sách
Để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN đến hết năm 2015, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, DNNN cần nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các phương án tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt. Trong đó phải phân tích làm rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, yếu kém trong công tác tái cơ cấu DNNN ở đơn vị mình để rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới; khẩn trương ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN theo kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, ngay trong tháng 7 năm 2015, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông theo nhiệm vụ đã được giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 dự thảo Nghị định, Quyết định và Báo cáo: 1- Nghị định về công bố thông tin của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 2- Nghị định về tổ chức, quản lý và hoạt động của DNNN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; 3- Báo cáo rà soát các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ; 4- Nghị định quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; 5- Nghị định về giám sát, đánh giá hiệu quả công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp; 6- Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền, ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp về quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên; chính sách khuyến khích chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ về giống mới, phân bón, cơ giới hóa, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến...
Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN đã đề ra, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Cụ thể, trong Quý III/2015, hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa 44 doanh nghiệp và ban hành quyết định công bố giá trị 127 doanh nghiệp. Trong Quý IV/2015, hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa của 127 doanh nghiệp nêu trên. Tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, vốn nhà nước ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa và bán cổ phần nhưng chưa bán được như phương án đã được phê duyệt. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, càng để lâu càng mất vốn nhà nước thì lãnh đạo doanh nghiệp cần sớm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý ngay, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng phải khẩn trương xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện; trong đó chú ý việc rà soát đất đai, xây dựng phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp phù hợp với nhiệm vụ được giao và quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Những đơn vị đã được phê duyệt Phương án cần khẩn trương triển khai thực hiện.
Trong Quý III năm 2015, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiến hành rà soát, phân loại và lập phương án thoái vốn tổng thể đối với khoảng 18.990 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào 5 lĩnh vực: bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Phương Nhi
Theo chinhphu.vn