Cập nhật: 09/08/2015 09:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015), Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Du - Di sản và các giá trị xuyên thời đại”.

Hội thảo thu hút đại diện nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế và hơn 100 nhà khoa học trong nước và nước ngoài tới dự.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cho rằng việc tổ chức kỷ niệm 250 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du trên phạm vi toàn quốc chính là những hành động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.

Đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du đã không ngừng lan tỏa và được khám phá trên nhiều phương diện khác nhau. Nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã mượn hình thức lẩy Kiều như một sự thể hiện coi trọng văn hóa, coi văn hóa là cầu nối để xây đắp hòa hiếu, hướng tới tương lai.

Đồng chí Đinh Thế Huynh mong muốn các nhà khoa học tập trung khám phá, làm sáng tỏ hơn những giá trị to lớn trong di sản văn hóa của Nguyễn Du.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ngoài việc khẳng định, tôn vinh tài năng và những đóng góp to lớn của đại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn học, văn hóa Việt Nam và nhân loại, Hội thảo là nơi gặp gỡ của các nhà Kiều học và Nguyễn Du học, nơi thể hiện những tiếng nói đồng cảm, đồng lòng, đồng vọng về những giá trị tinh thần mà Nguyễn Du trao gửi cho hậu thế. Hội thảo còn là dịp mở rộng giao lưu, quảng bá các giá trị tinh hoa của văn học cổ điển Việt Nam, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hơn 100 tham luận của các học giả ở trong và ngoài nước như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc… gửi tới hội thảo đã tập trung làm rõ hơn từ phát hiện văn bản, đến diễn dịch văn bản, bao gồm cả dịch thuật, lí giải và đọc mới những cách diễn dịch trước đây cũng như tập trung vào việc tìm kiếm tư liệu, tiếp cận các tập thơ chữ Hán và kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Thanh Xuân

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm