Cập nhật: 11/08/2015 09:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc như quan họ, ca trù và đặc biệt là gần 100 ngôi nhà cổ trên 100 tuổi.

Dấu vết thời gian trên những bức tường gốm của nhiều 

ngôi nhà ở thôn Thổ Hà. (Nguồn: vanhoa.gov.vn)

Mỗi ngôi nhà cổ nơi đây đều có nét độc đáo và cách bài trí riêng thể hiện sự tinh tế, phong phú trong cuộc sống của người xưa. Tuy nhiên, do nhu cầu của cuộc sống, nhiều ngôi nhà cổ đã bị phá bỏ hoặc sửa chữa làm mất đi giá trị vốn có của nó.

Giá trị vượt thời gian của những ngôi nhà cổ

Đến thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, bạn sẽ ấn tượng với ngôi nhà cổ gần 200 tuổi của gia đình ông Trịnh Đắc Mùi.

Trải qua 8 đời, ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây cũng là ngôi nhà cổ duy nhất của thôn Thổ Hà chưa được sửa chữa, làm mới.

Hiện tại, 4 thế hệ gia đình ông Mùi, gồm bố mẹ, vợ chồng và con cháu ông đang sinh sống trong ngôi nhà cổ. Ngôi nhà và các đồ vật trong nhà đều được làm bằng gỗ lim và gỗ đinh với tường đất bao quanh, sàn lát gạch tám Thổ Hà (loại gạch của làng gốm Thổ Hà ngày xưa, nay đã bị mai một).

Nhà có lối kiến trúc chữ Nhất ngang với 5 gian ngoài và 2 gian buồng, ngoài ra còn có hai nhà ngánh hai bên, mỗi nhà 3 gian. Hồi mái ngôi nhà được xây kiểu bít đốc, lợp ngói mũi hài, bờ nóc bờ dải tạo các dải hoa chanh mềm mại.

Các cột, kèo, xà thượng, xà hạ, vì, nách, con chồng đều được chạm khắc rất tinh xảo, nổi hình hoa lá, vân mây đao mác, hoa dây. Trong nhà được bố trí, bày ba gian thờ, ở giữa thờ gia tiên, gian bên cạnh thờ Thánh Sư (là ông tổ nghề gốm ở Thổ Hà) và trong cùng là gian thờ Phật.

Đặc biệt, ở gian thờ gia tiên của ngôi nhà có bức hoành với 4 chữ “Tiết hạnh khả phong” được phong tặng từ thời vua Bảo Đại.

Ông Trịnh Đắc Mùi cho biết: “Ngôi nhà này từ đời cụ kỵ truyền lại, cứ vào dịp giỗ chạp, tế lễ, các con cháu lại về tụ họp, lễ bái đông đủ khiến tình cảm anh em, họ hàng thêm sâu đậm. Tôi cố gắng giữ gìn nguyên vẹn ngôi nhà để con cháu hiểu được những nét đẹp trong phong tục, sinh hoạt của ông cha, dù đi đâu, làm gì cũng nhớ về cội nguồn.”

Cũng giống nhà ông Mùi, ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Quang Liêm, thôn Thổ Hà, Việt Yên, Bắc Giang cũng đã tồn tại hơn 100 năm. Bước chân vào ngôi nhà, những nét cổ xưa, mang màu nâu cũ tạo cho mọi người có cảm giác hoài niệm nhưng gần gũi, thân thiện.

Ngôi nhà cổ của ông Mùi được làm từ 100% gỗ lim, thuộc dạng trung khoa với 3 gian chính và 2 gian dĩ. Ở các đầu vì kèo đều được chạm khắc hình con rồng, văn hoa rất tinh xảo.

Với 3 bức hoành phi, 5 câu đối được treo ngay ngắn càng tạo vẻ cổ kính, uy nghiêm của ngôi nhà. Các đồ vật trong nhà như trắc tải, ỷ, đèn, bình hương, đều là những vật dụng có tuổi đời hàng trăm năm.

Đặc biệt, nhà ông Liêm là một trong số hiếm những nhà ở Thổ Hà còn lại loại cửa bức bàn (một kiểu cửa ra vào) có tổng 12 cánh cũng được làm hoàn toàn bằng gỗ lim.

“Ngôi nhà là một báu vật mà các cụ đã để lại. Nó gắn với lịch sử của làng, của dòng họ qua bao thế hệ, giúp chúng tôi hiểu được phần nào công lao, nỗ lực của người xưa,” ông Liêm chia sẻ.

Hiện, trên địa bàn huyện Việt Yên còn gần 100 nhà cổ, trong đó tập trung nhiều tại các xã, thị trấn như Vân Trung, Vân Hà, Quảng Minh, Thượng Lan, Hồng Thái và thị trấn Nếnh.

Những ngôi nhà cổ đang dần biến mất

Những ngôi nhà cổ không chỉ đẹp về đường nét, kiến trúc mà còn chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục cho thế hệ sau biết được về những giá trị thành tựu của ông cha. Tuy nhiên, do tồn tại hàng trăm năm nên hầu hết những ngôi nhà này đều đã xuống cấp. Nhiều ngôi nhà đã được người dân tự sửa chữa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, làm biến dạng kết cấu, kiến trúc của ngôi nhà.

Điển hình như nhà ông Trịnh Đắc Mùi, do lâu ngày không được sửa chữa đã xuống cấp nghiêm trọng, nền gạch bị nứt, lún, các đầu vì, kèo bị mối mọt nhiều. Việc cố gắng để giữ nguyên bản ngôi nhà khiến cuộc sống của các thành viên trong gia đình gặp nhiều bất tiện.

Ông Mùi hiện rất muốn nâng cao chân nền của ngôi nhà lên khoảng 1m để tránh lụt mỗi khi lũ từ sông Cầu lên, tuy nhiên điều này là khá khó khăn vì phải mất một khoản tiền rất lớn, vì vậy, gia đình ông đành để nguyên và cố gắng khắc phục.

Hoặc trường hợp khác là nhà ông Trịnh Quang Liêm, bản thân ông rất muốn giữ ngôi nhà cổ của mình được nguyên bản, nhưng do nhu cầu cuộc sống cộng với tình trạng ngôi nhà đã quá xuống cấp nên gia đình ông đành tự sửa chữa theo khả năng.

Năm ngoái, ông Mùi đã phải thay nền gạch tám Thổ Hà bằng nền gạch men đỏ và thay hai cột hiên bằng cột bêtông cho vững chắc.

Ông Nguyễn Văn Dân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Việt Yên cho biết: “Phòng đã kịp thời tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện sớm có kế hoạch tổng hợp, rà soát các nhà cổ có niên đại trên trăm năm, báo cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sớm có chế độ hỗ trợ nhân dân trong việc trùng tu, bảo tồn nhà cổ trong thời gian tới. Trước mắt, cán bộ văn hóa làm tốt công tác tuyên truyền cho các gia đình đang có nhà cổ trong quá trình trùng tu, sửa chữa không làm biến dạng ngôi nhà.”

Tuy nhiên, để bảo tồn được những ngôi nhà cổ mang giá trị vượt thời gian, những người dân đang rất cần một phương án bảo tồn cụ thể từ phía các cơ quan chức năng chứ không chỉ là những lời tuyên truyền nâng cao ý thức./.

Theo ĐỒNG THÚY (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nhung-ngoi-nha-co-hang-tram-nam-tuoi-o-bac-giang-keu-cuu/337344.vnp

 

Tệp đính kèm