Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia của WB, nêu nhận định vào TPP tới GDP Việt Nam sẽ tăng 8%, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015. Việt Nam cũng đang vào giai đoạn “phát triển dồn ép” chưa từng có.
Việt Nam đang khai thác các cơ hội tăng trưởng bằng cách
hội nhập kinh tế sâu hơn (Ảnh minh họa: VietNamNet)
Tạo ra một nền kinh tế giàu sức cạnh tranh và sáng tạo hơn
Lý giải cho nhận định này của mình được nêu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, cho hay: Việt Nam đang khai thác các cơ hội tăng trưởng bằng cách hội nhập kinh tế sâu hơn, bao gồm cả việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN và các đối tác lớn khác ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Rất nhiều hiệp định đã được ký kết và đang được thực thi từng bước. Việt Nam hiện đang đàm phán một số hiệp định quan trong bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), và một khu vực thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh khả năng tiếp cận thị trường, “một hệ quả quan trọng mà quá trình hội nhập sâu hơn và ký kết các hiệp định thương mại trong và ngoài khu vực mang lại chính là cách thức chúng hỗ trợ các cải cách về thể chế và cấu trúc. Những thay đổi quan trọng này sẽ đưa Việt Nam đi đúng con đường tạo ra một nền kinh tế giàu sức cạnh tranh và sáng tạo hơn”- ông Sandeep Mahajan nhận định.
Đặc biệt, Hiệp định TPP hiện đang trong quá trình đàm phán giữa Việt Nam và 11 nước thành viên khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở giai đoạn này, chưa có nhiều thông tin về kết quả cuối cùng của quá trình đàm phán. Tuy nhiên, ông Sandeep Mahajan vẫn có đánh giá triển vọng rất tích cực rằng: “Là một nền kinh tế thương mại quy mô nhỏ và ngày càng mở cửa, Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích từ tự do hóa thương mại, ước tính ban đầu cho thấy hiệp định TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm tới 8%. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 – 2035, hiệp định TPP có thể tích lũy thêm 8% cho GDP thực, 17% cho xuất khẩu thực và tăng vốn cổ phần của đất nước thêm 12%”.
Vốn FDI vào mạnh nhưng ít lan tỏa tới doanh nghiệp trong nước
Tuy nhiên, ông Sandeep Mahajan cũng cho là còn nhiều vấn đề cần xử lý trong các lĩnh vực như dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, cả hai đều quan trọng để tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn.
Trong đó, “mặc dù Việt Nam đã nhận được dòng vốn FDI chảy vào khá đáng kể trong những năm qua, trong môi trường kinh doanh vẫn tồn tại tình trạng không rõ ràng, có thể ngăn cản ít nhất là một vài hoạt động có lợi. Việt Nam đã thực hiện tự do hóa thuế quan đối với hàng hóa sau khi gia nhập WTO nhưng từ đó đến nay đã có những bước lùi”.
Hơn nữa, theo phân tích của ông Sandeep Mahajan: “Phần lớn vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng vận hành một cách khép kín, tạo ra rất ít hy vọng về chuyển giao công nghệ hoặc hiệu ứng lan tỏa xuôi dòng tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Và cách thức FDI ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và năng suất của doanh nghiệp địa phương phụ thuộc vào các chính sách cũng như môi trường kinh doanh và trình độ công nghệ của doanh nghiệp. Điều kiện cơ bản để có hiệu ứng lan tỏa từ FDI là sự tồn tại của khoảng cách công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Các hiệu ứng lan tỏa tiềm năng gia tăng cùng với khoảng cách công nghệ vì doanh nghiệp trong nước có cơ hội tăng hiệu quả thông qua việc sao chép công nghệ nước ngoài.
Tuy nhiên, “khoảng cách quá rộng sẽ cản trở doanh nghiệp trong nước hấp thụ những lợi thế công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài. Tương tự, việc thiếu vắng lực lượng lao động có trình độ cũng có thể ngăn cản thành công của hiệu ứng lan tỏa FDI”.
Việt Nam đang vào giai đoạn “phát triển dồn ép” chưa từng có
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới còn cảnh báo: Việt Nam đang trải qua một làn sóng công nghiệp hóa và thay đổi về cấu trúc chưa từng có, đất nước đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”, tạo ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách.
Trong số những thách thức, có việc thanh niên đang rời các vùng quê đến các khu đô thị, rời bỏ nông nghiệp để đến với công nghiệp và dịch vụ. Hiện tượng này đặc biệt không chỉ bởi mức độ hay cường độ sức ép đối với thời gian để phát triển theo tiêu chuẩn trước kia mà còn vì sức ép của quá trình phát triển.
Trong khi Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển nhanh chóng, đất nước sẽ đối mặt với những thách thức và nút thắt để phát triển bền vững, đòi hỏi cấp thiết phải có những cải cách tổng thể về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh, cũng như trong các biện pháp chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp. Trong quá trình phát triển dồn ép, vai trò điển hình lý tưởng của nhà nước đã thay đổi từ lên vai trò lên kế hoạch và chỉ huy của nhà nước phát triển sang vai trò hỗ trợ, linh hoạt và sáng tạo hơn.
Ngày nay, “một nhà nước phát triển phải đặt câu hỏi họ phù hợp với vị trí nào, bên cạnh việc làm cách nào để phát triển. Điều này đòi hỏi đánh giá tinh tường về thể chế, năng lực công nghiệp và nhân sự trong mối quan hệ với thể chế, năng lực và nguồn lực toàn cầu”- Sandeep Mahajan nhấn mạnh./.
Theo Xuân Thân/VOV.VN