Cập nhật: 30/08/2015 11:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tăng trưởng kinh tế quí II đạt mức 6,28%, đã tạo đà để kinh tế 8 tháng tiếp tục có bước chuyển biến, đạt nhiều kết quả tích cực ở nhiều lĩnh vực. Đây là một dấu hiệu quan trọng để có thể khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế đã đề ra của cả năm 2015.

Điểm nổi bật của kinh tế 8 tháng đó là tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2015, cả nước có 61.305 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 376,4 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 15.243 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 481,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng là 857,9 nghìn tỷ đồng. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng là 873,3 nghìn người, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: vietq.vn)

Điều này phần nào đã thể hiện tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nhờ tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nên sản xuất công nghiệp có mức tăng đột biến. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 8 tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp, có thể đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính trong năm 2015, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như sản xuất xe có động cơ, sản phẩm điện tử, máy tính, dệt may và da giày.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng có nét khởi sắc. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/8/2015 thu hút 1.219 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,8789 tỷ USD, tăng tới 22,9% về số dự án và tăng 8,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời có 389 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 5,4597 tỷ USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm đạt 13,3386 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm nay ước tính đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2014. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 10,3595 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn đăng ký. Như vậy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã góp phần quan trọng làm cho sản lượng sản xuất tiếp tục tăng với tốc độ bền vững, tạo thêm nhiều việc làm. Khu vực FDI tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tính chung 8 tháng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 74,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, xuất khẩu năm 2015 dự báo sẽ còn khó khăn, nhất là nhóm hàng nông sản. Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 106,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước như điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 20 tỷ USD, tăng 31,1%; hàng dệt may đạt 15 tỷ USD, tăng 10,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD, tăng 51,8%…. Nhưng, một số mặt hàng giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước như cà phê giảm 32,4% về lượng và giảm 32,8% về kim ngạch do nguồn cung trên thị trường thế giới tăng mạnh; gạo giảm 6,5% về lượng và giảm 11% về giá trị do Trung Quốc (chiếm 35% thị phần xuất khẩu) giảm nhập khẩu. Riêng dầu thô, lượng tuy giảm 0,6% nhưng do giá dầu thô thế giới giảm mạnh nên kim ngạch giảm tới 48,7%.

Điểm đáng chú ý, trong khi xuất khẩu hàng hoá chỉ tăng 9%, nhập khẩu lại tăng khá cao. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 8 tháng ước tính đạt 109,9 tỷ USD, tăng tới 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã dẫn tới nhập siêu tháng 8/2015 ước tính 100 triệu USD. Nhập siêu 8 tháng năm 2015 ước tính 3,6 tỷ USD, tương đương 3,4% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13 tỷ USD, tăng 44% so với mức 9 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014, cho thấy sự phụ thuộc lớn của sản xuất và tiêu dùng trong nước vào nguyên liệu nhập khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 8 tháng xuất siêu 9,4 tỷ USD. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc 8 tháng năm nay khoảng 22,3 tỷ USD. Giá dầu thô đang giảm mạnh sẽ làm kim ngạch xuất khẩu giảm; tăng trưởng xuất khẩu luôn thấp hơn nhập khẩu nhất là trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm do tác động của tình hình Trung Quốc đang gây áp lực lớn đến mục tiêu kiểm soát nhập siêu những tháng cuối năm 2015.

Nhìn chung, nền kinh tế tiếp tục có những tín hiệu tích cực, giúp cho nền kinh tế có sự tăng trưởng mới. Tổng cầu của nền kinh tế đang dần được phục hồi; lạm phát đang ở mức thấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng một số cơ chế, chính sách cụ thể nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng theo hướng thị trường đầy đủ hơn. Tuy nhiên, kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cả trước mắt và lâu dài. Điều đáng lưu ý là những khó khăn của nền kinh tế trong các năm trước vẫn chưa được xử lý cơ bản như: nợ xấu, nợ công; tái cấu trúc các ngành kinh tế mà trọng tâm là các ngành ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, cần thực hiện có hiệu quả nhóm giải pháp như: ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường…

Cần tập trung theo dõi sát sao diễn biến của giá đồng nhân dân tệ và đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Có chính sách điều hành linh hoạt hơn nữa để tránh rủi ro. Kết hợp chặt chẽ điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tránh chồng chéo. Cần tập trung vào phát triển nông nghiệp nhằm đưa giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Chính sách cho nông nghiệp, nông thôn cần được nghiên cứu và thực hiện tốt hơn, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, nông sản, thủy sản xuất khẩu. Muốn vậy, cần phát triển thị trường trong nước, từ thu mua, chế biến cho đến tiêu thụ. Cần xây dựng hệ thống thương mại trong nước kể cả bán buôn, bán lẻ, không để tư thương, công ty nước ngoài thao túng như hiện nay.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Sửa đổi, bổ sung các cơ chế giúp các doanh nghiệp tiếp cận các hiệp định thương mại đã ký kết, sắp ký kết… Về lâu dài, cần tiếp tục đổi mới thể chế quản lý kinh tế. Đối với công tác kế hoạch, quy hoạch cần thay đổi cả về nội dung và phương pháp. Nội dung quy hoạch cũng phải tính đến cả cơ chế thị trường. Kế hoạch phải mang tính dự báo nhiều hơn. Đổi mới phương thức hạch toán kinh tế hạch toán theo chuẩn quốc tế đối với việc hạch toán nợ công; hạch toán trong các doanh nghiệp…

 

 

Theo Đặng Hiếu

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tệp đính kèm