Cập nhật: 14/09/2015 09:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhờ áp dụng công nghệ trong chăn nuôi lợn, ông Trịnh Duy Tân, ở xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, Ninh Bình đã trở thành tỷ phú.

Ông Trịnh Duy Tân - tỷ phú nông dân nhờ nuôi lợn.

Là một trong bốn hộ nông dân tiêu biểu được dự Đại hội thi đua yêu nước Hội Nông dân Việt Nam mới đây, ông Trịnh Duy Tân, ở xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn đã chia sẻ kinh nghiệm vươn lên trở thành tỷ phú nhờ áp dụng công nghệ trong chăn nuôi lợn.

Bắt đầu xây dựng trang trại nuôi lợn từ năm 2010 với 20 con lợn nái, đến nay, ông Tân đã có trang trại rộng 2.500 m2 với 100 lợn nái, sinh sản mỗi lứa từ 700 đến 1.000 con lợn giống và lợn thịt. Mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường khoảng 170 đến 200 tấn lợn thịt, giá bán luôn cao hơn các trang trại khác từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg, doanh thu đạt từ 3 đến 5 tỷ đồng/năm.

Hơn 10 năm qua, trang trại của ông chưa từng bị dịch bệnh, lợn nái đẻ đều, con giống đẹp... Để có được kết quả này, ông Tân đã mạnh dạn áp dụng công nghệ trong chăn nuôi, đầu tư xây dựng trại lợn hàng tỷ đồng.

Với dây chuyền máng ăn tự động, mỗi ngày, ông chỉ cần đổ cám 1 lần, có khi 2 ngày mới phải đổ, không cần người trông nom. Đàn lợn ăn tới đâu cám chảy ra tới đó, khi nào lợn no rời máng ăn, hệ thống sẽ tự dừng tiếp cám, rất tiện lợi, không chỉ giảm được chi phí đầu tư, nhân công mà còn rất nhàn.

Ông Trịnh Duy Tân chia sẻ: “Làm chăn nuôi cần nhiều vốn. Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, một là bị ép giá đầu vào, hai là ép giá đầu ra. Vừa rồi, Hội nông dân tỉnh đã hỗ trợ mỗi thành viên 50 triệu đồng. Tôi sẽ họp bà con lại, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cho bà con, giúp vốn cho bà con giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho bà con. Đồng thời, vận động bà con bán lợn sớm để vay vốn đó giúp những người chuẩn bị bán lợn nhưng chưa có tiền mua cám. Người nọ tương trợ người kia cùng làm giàu.”

Ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết, ông Trịnh Duy Tân là nông dân xuất phát từ hộ nghèo, thuộc gia đình công giáo. Ông vận động những người trong gia đình, trong thôn, xóm cùng phát triển kinh tế. Khi đã thoát nghèo, giờ trở thành hộ giàu, ông đã thành lập hợp tác xã chăn nuôi Tân Tiến với 28 thành viên.

Hiện Hợp tác xã của ông Tân là một trong những điển hình tiêu biểu cho phát triển kinh tế tập thể. Toàn bộ hội viên đều đồng lòng, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau; cung cấp thức ăn chăn nuôi, giống, thuốc thú y, chăm sóc cũng như phòng trừ bệnh cho lợn và lo đầu ra cho lợn thịt, lợn nái.

Theo ông Thái, ông Tân là tấm gương tiêu biểu cho bà con trong khu vực cùng thoát nghèo, làm giàu, tích cực tham gia công tác Hội. Ông Thái hy vọng mô hình chăn nuôi như ông Tân sẽ tiếp tục được nhân rộng trên toàn tỉnh.

Không chỉ lo làm giàu, ông Tân còn rất chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường. Sau một thời gian học hỏi các trang trại trong và ngoài tỉnh, ông đã thiết kế hệ thống bể, tận dụng khí thải làm biogas phục vụ đun nấu sinh hoạt hàng ngày.

Với việc ứng dụng công nghệ này, ông Tân không chỉ tiết kiệm được chi phí mua gas đun nấu mà còn đảm bảo chuồng nuôi luôn sạch mùi, đàn lợn lớn nhanh, không bệnh tật. Ông Tân tự tin, với cách làm giàu của ông, số thành viên tham gia hợp tác xã của ông sẽ ngày một đông hơn và trong tương lai gần, địa phương ông sẽ có nhiều tỷ phú như ông./.

Theo Kim Thanh/VOV.VN - Trung tâm Tin

 

Tệp đính kèm