Tổng thu NSNN 9 tháng ước đạt 683.000 tỷ đồng, tổng chi ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng đã nâng mức bội chi lên 140,97 nghìn tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo về kết
quả thực hiện dự toán NSNN năm 2015; dự toán NSNN
và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.
Tiếp tục kì họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, mới đây Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Trước những biến động kinh tế thế giới và khu vực và với những giải pháp, chính sách của Chính phủ vừa qua, về tổng thể nước ta vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, thu ngân sách, bội chi NSNN, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất kinh doanh vẫn bảo đảm như mục tiêu đã đề ra.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12/2014, bình quân 9 tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua. Nền kinh tế nước ta phục hồi khá rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước.
Về tổng thu NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 9 tháng, tổng thu NSNN ước đạt 683.000 tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa đạt 504,32 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ.
Riêng nguồn thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt thấp, chỉ bằng 55,7% và 70,5% dự toán năm, chủ yếu do giá dầu thô và giá của một số mặt hàng xuất nhập khẩu giảm mạnh. Riêng giá dầu thô từ đầu Quý 3 đến nay, có biến động theo chiều hướng có tăng lên và hiện dao động trong khoảng 46 USD/thùng.
Trong khi nguồn thu NSNN tăng so với cùng kỳ thì tổng chi NSNN thực hiện 9 tháng ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển đạt 65,3%, chi trả nợ và viện trợ bằng 76,5%; chi thường xuyên đạt 75% dự toán. Bội chi NSNN ước khoảng 140,97 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán năm.
Do trong năm 2015, giá dầu thô xuất khẩu của nước ta ước tính bình quân cả năm khoảng 56,7 USD/thùng. Khi đó, các kịch bản về tác động của việc giảm giá dầu đến thu NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổ điều phối vĩ mô xây dựng từ đầu năm và đã thực hiện các giải pháp ứng phó, như thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chống thất thu, chống gian lận thương mại,... tăng nguồn thu nội địa, bù giảm thu dầu thô và xuất nhập khẩu để bảo đảm tổng thu NSNN không bị giảm và bảo đảm cân đối tổng thể thu chi NSNN theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thu - chi NSNN trong thời gian qua và triển vọng phát triển, căn cứ mục tiêu phát triển trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2016 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững.
Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính phủ dự kiến, trong năm 2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP là 4,95%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 5%; Tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5% so với năm 2015.
Riêng trong cân đối thu, chi NSNN với tổng thu cân đối NSNN năm 2016 dự kiến là 1.014,5 nghìn tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 khoảng 1.273,2 nghìn tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 255,75 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến 4,95% GDP.
Trong cân đối vốn đầu tư phát triển, dự kiến khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 khoảng 1.587,75 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 31% GDP. Dự kiến huy động nguồn vốn đầu tư từ NSNN khoảng 255,75 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Đầu tư từ vốn trái phiếu Chính phủ 60.000 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; từ vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 65.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 160.000 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân khoảng 692.000 tỷ đồng, chiếm 43,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không bao gồm phần đóng góp trong nước) khoảng 310.000 tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các khoản vốn huy động khác khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN