Trong khi các điều tra viên nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập, có 3 giả thiết được nêu ra bàn thảo
Vụ tai nạn máy bay Nga rơi tại Ai Cập, khiến 224 người thiệt mạng (Ảnh CBS).
Sáng 31/10 vừa qua, một chiếc máy bay Nga gặp nạn ở Ai Cập, khiến tất cả 224 người trên máy bay, cả hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Một quan chức hàng không hôm thứ Hai 2/11 cho biết, tai nạn này có thể do “tác động từ bên ngoài” máy bay.
Hãng tin AP dẫn lời ông Alexander Smirnov, Phó Tổng Giám đốc của Hãng Hàng không Nga Metrojet cho biết: "Chúng tôi loại trừ nguyên nhân do lỗi kỹ thuật của máy bay hay lỗi của phi công". "Lời giải thích duy nhất là có thể do tác động từ bên ngoài máy bay".
Tạp chí Christian Science Monitor phân tích 3 giả thiết về nguyên nhân vụ tai nạn.
Giả thiết thứ nhất: Có một quả bom trên máy bay?
"Có thể trên máy bay có một quả bom", Paul Rogers, một cố vấn an ninh toàn cầu và là giáo sư tại Đại học Bradford ở Anh, nói với BBC. " Thực tế là Nga gần đây đã can thiệp vào Syria và ... đây có thể là phản ứng ngược không mong muốn đối với ông Putin. Thực tế là cả Ai Cập và Nga đều không muốn thừa nhận vụ tai nạn có liên quan đến khủng bố và có thể người ta sẽ không bao giờ biết rõ và đầy đủ về vụ này".
Một phát ngôn viên của điện Kremlin nói với BBC rằng không loại trừ khủng bố có thể là một nguyên nhân.
Ông Smirnov nói rằng ông sẽ không nói chi tiết về vụ tai nạn trong khi cuộc điều tra vẫn đang tiến hành.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Alexander Neradko, người đứng đầu cơ quan hàng không liên bang của Nga, nói với các phóng viên rằng các mảnh vỡ tại hiện trường là bằng chứng cho thấy rằng chiếc máy bay đã bị vỡ từ khi ở trên không. Một Phó Tổng giám đốc khác của Metrojet, ông Viktor Yung, cho biết phi hành đoàn không đưa ra tín hiệu cấp cứu hoặc liên lạc bất thường với kiểm soát không lưu trước khi xảy ra tai nạn.
"Chúng tôi loại trừ các vấn đề kỹ thuật và loại bỏ nguyên nhân do lỗi của con người", ông Smirnov cho biết tại một cuộc họp báo ở Moscow khi ông thảo luận nguyên nhân của vụ tai nạn.
Ông Smirnov nói rằng, máy bay đã bị rơi ở phút 23 sau khi cất cánh từ Sharm el-Sheikh, một khu nghỉ mát bên bờ Biển Đỏ của Ai Cập, trên đường tới St. Petersburg. Một phút trước khi đâm, chiếc máy bay đã tăng độ cao một thời gian ngắn, sau đó giảm xuống tốc độ 186 dặm/ giờ và giảm độ cao khoảng 5.000 feet, theo thông tin dữ liệu từ các trang web không lưu theo dõi chuyến bay.
BBC trích dẫn lời ông Smirnov mô tả chiếc máy bay trong vụ tai nạn, một chiếc Airbus A321 đáng tin cậy, và nói rằng nếu phi công có mắc lỗi thì cũng sẽ không gây ra một vụ tai nạn thảm khốc như vậy, bởi lẽ công nghệ sẽ tự sửa chữa sai lầm của phi hành đoàn.
Giả thiết thứ 2: Đuôi máy bay bị lỗi?
Các chuyên gia hàng không nói rằng, các điều tra viên có lẽ đã xem xét kỹ lưỡng cả lịch sử ngành sửa chữa máy bay. Năm 2001, một chiếc máy bay “húc” vào đường băng khi hạ cánh ở Cairo, kết quả là "Tiếp đất bằng đuôi, gây thiệt hại nghiêm trọng", theo tài liệu công bố của Hãng Hàng không Flight Global.
Hai máy bay khác đã vỡ tan tành trên không trung do các lỗi từ trước, trong đó có chiếc máy bay của Hàng không Nhật Bản gặp tai nạn năm 1985, một vụ tai nạn thảm khốc thứ nhì trong lịch sử, khiến 505 trong số 509 người có mặt trên máy bay thiệt mạng. Vụ việc xảy ra sau 7 năm kể từ khi đuôi máy bay được sửa chữa. Việc sửa chữa này đã được xác định là nguyên nhân của vụ tai nạn.
Các vách ngăn ở đuôi máy bay có một ý nghĩa quan trọng: các vách ngăn kín ngăn khoang hành khách và phần đuôi của máy bay, (được niêm phong cẩn mật), giữ cho áp suất các cabin ổn định trong quá trình bay.
Ông Smirnov khẳng định các máy bay Nga là đáp ứng tiêu chuẩn cho chuyến bay.
Giả thiết 3: IS bắn hạ máy bay bằng tên lửa đất đối không?
Một nhóm Nhà nước Hồi giáo địa phương ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, đã nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm về việc “bắn hạ” máy bay. Nhưng lời nhận trách nhiệm này đã bị các quan chức Nga và các chuyên gia quân sự bác bỏ. Bởi nhóm IS này không có tên lửa có thể bắn hạ một máy bay ở độ cao 31.000 feet.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi đã “nổi nóng” vì giả thiết như vậy, cảnh báo rằng nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn còn là một bí ẩn, phải mất hàng tháng mới có thể khám phá ra.
Theo AP, ông el-Sissi đã nói trong một cuộc họp với các quan chức hàng đầu chính phủ: "Điều quan trọng là phải để vụ việc này đúng với thực chất của nó, và không ai được suy đoán hay suy diễn nguyên nhân của vụ việc”. Ông cho biết cuộc điều tra "sẽ mất một thời gian dài" và "cần những công nghệ rất tiên tiến".
Báo chí Nga đưa tin, các hộp đen của máy bay bị tai nạn đã được thu hồi và đang được các chuyên gia hàng không nghiên cứu. Phân tích dữ liệu lưu trong các hộp đen sẽ cho phép các nhà điều tra xác định nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn, xem đó là một vụ nổ hay do lỗi kỹ thuật gây ra./.
Theo Bích Đào/VOV.VN