Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch, Việt Nam, Paraguay và khu vực châu Phi hạ Sahara là ba thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh.
Dây chuyền sản xuất khung xe ôtô tại nhà máy Samco. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Việt Nam
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tiềm năng tăng trưởng trung hạn thuận lợi nhất ở châu Á, trong bối cảnh giá nhân công của Trung Quốc đã tăng cao và nền tảng sản xuất của quốc gia này đã dịch chuyển sang những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn.
Nhiều công ty đã mở các cơ sở sản xuất cơ bản ở Việt Nam nhằm tận dụng giá nhân công thấp tại đây.
Việt Nam có dân số lớn, vào khoảng 90 triệu dân, lực lượng lao động đang ngày một phát triển, điều kiện chính trị ổn định và vị trí chiến lược ở châu Á.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng gấp 4 lần trong thập kỷ vừa qua, hiện đạt ngưỡng hơn 8 tỷ USD.
Có lẽ bạn đã từng sử dụng một chiếc điện thoại Samsung rồi. Hiện nay, có tới 30-40% số sản phẩm điện thoại của Samsung được sản xuất tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng tin rằng sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ bảo trợ, nếu được thông qua, sẽ thúc đẩy hơn nữa tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam.
Hiệp định này sẽ hạ thấp các rào cản thương mại và mang tới cho Việt Nam khả năng tiếp cận một số những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Canada và Australia.
Paraguay
Có 3 lý do giải thích cho tình hình kinh tế vượt trôi của Paraguay so với các thị trường mới nổi khác.
Lý do đầu tiên là đa dạng trong xuất khẩu. Không giống như các thị trường mới nổi khác chỉ đẩy mạnh xuất khẩu một sản phẩm và phải dựa vào hydrocarbon, xuất khẩu Paraguay được tạo thành từ 3 ngành công nghiệp tương đối không có liên hệ gì với nhau: đậu nành, điện và thịt bò.
Thứ hai, quốc gia này đang cải thiện vị trí của mình trên chuỗi giá trị: ngành nông nghiệp nước này hiện đã đủ khả năng để xử lý tới 50% sản lượng đậu nành để sản xuất ra các sản phẩm có nhiều giá trị hơn như thức ăn cho cá và các sản phẩm khác.
Cuối cùng là chính sách quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng. Paraguay đã có được thành tích tăng trưởng năng động với tỷ lệ lạm phát một con số trong suốt 10 năm.
Quốc gia này cũng là một trong số ít các quốc gia đã thận trọng tận dụng một phần quá trình bùng nổ hàng hóa để xây dựng những bộ đệm tài chính bên ngoài.
Ba chính sách này đã đặt nền kinh tế của Paraguay vào một vị trí rất thuận lợi để chống chọi với sự giảm giá thành hàng hóa đang diễn ra, đồng thời hạn chế những điểm yếu nhằm phòng thủ trước sự suy thoái về điều kiện kinh tế của các đối tác thương mại của nước này, chẳng hạn như Argentina hay Brazil.
Các nước châu Phi hạ Sahara
Ba quốc gia thuộc châu Phi hạ Sahara được dự đoán là sẽ nổi lên trong vòng thập kỷ tới đây, mặc dù hiện tại giá thành hàng hóa đang ở mức thấp.
Mỗi quốc gia trong số này theo đuổi một đường lối phát triển riêng. Mozambique sẽ thu được lợi ích từ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Nước này dự tính sẽ nhận được tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khoảng 40 tỷ USD trong vòng 8 năm tới, gấp khoảng 2,5 lần so với GDP hiện tại, nhằm xây dựng dự trữ khí đốt tự nhiên để sẵn sàng tung ra thị trường.
Khoản đầu tư này, nếu được quản lý tốt, sẽ giúp Mozambique đạt được tăng trưởng hai con số.
Kenya hiện đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt và các cảng biển.
Nước này đang đầu tư 4 tỷ USD vào mạng lưới đường sắt mới nhằm cải thiện tốc độ đưa hàng xuất khẩu tới thị trường, cũng như thu lợi từ hội nhập vùng.
Lựa chọn thứ ba là hoàn thiện thể chế, và đó chính là đường lối mà Rwanda đã chọn. Rwanda đã tăng trưởng 7% trong vòng thập kỷ vừa qua - một xu hướng mà theo Fitch sẽ còn tiếp diễn trong tương lai./.
Theo MY NGUYỄN (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/fitch-viet-nam-nam-trong-so-3-thi-truong-tiem-nang-tang-truong/354252.vnp