Theo chuyên gia của OECD, cơ quan quản lý có thể bị nghiêng theo lợi ích của bộ ngành mình trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Hội nghị lần thứ 8 của Tổ chức hợp tác và
phát triển kinh tế 2015 diễn ra tại Hà Nội
Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc vừa phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức Hội nghị lần 8 về Quản trị doanh nghiệp với doanh nghiệp nhà nước năm 2015. Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về tầm quan trọng và những thách thức liên quan đến quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Theo các chuyên gia cao cấp của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế, tại nhiều nền kinh tế khu vực châu Á, doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng. Do đó, quản trị tốt sẽ đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều hơn vào kinh tế đất nước. Hiện nhiều quốc gia châu Á đã cải cách doanh nghiệp nhà nước hiệu quả và vận hành bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác.
Tuy vậy, Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế không khuyến khích cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ồ ạt, vì thực tế không phải trường hợp tư nhân hóa doanh nghiệp nào cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Ông Hans Christiansen, chuyên gia kinh tế cao cấp của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế cho rằng, thách thức lớn nhất với cải cách doanh nghiệp nhà nước là liên quan tới quản trị và vai trò sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Cần tách vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước khỏi các bộ ngành - đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước đại diện cho cả Chính phủ, không phải đại diện cho bộ ngành nào. Thực tế có các cơ quan bộ, ngành thực hiện quyền sở hữu với doanh nghiệp nhà nước để bảo vệ lợi ích riêng của mình nên một số quyết định đưa ra không dựa trên cơ sở minh bạch và công khai.
Trong khi đó, mục tiêu của cải cách doanh nghiệp nhà nước là hướng tới sự minh bạch và công bố thông tin, đảm bảo doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng bởi áp lực chính trị, để hội đồng quản trị trong doanh nghiệp phải là cơ quan chịu trách nhiệm toàn bộ và toàn quyền với doanh nghiệp.
Theo ông Hyung-Soo Park, Viện trưởng Viện Tài chính công Hàn Quốc, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế năng động, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 5% trong 5 năm qua. Kinh tế nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát kinh tế và đời sống người dân. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng là một trong những trọng tâm chính. Mặc dù đã đạt được một số thành công trong cải cách và quản lý doanh nghiệp nhà nước nhưng Việt Nam vẫn gặp thách thức trong vận hành và cải cách khu vực doanh nghiệp này. Điều này liên quan nhiều tới quản trị doanh nghiệp và vai trò sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.
Chia sẻ kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước của Hàn Quốc, ông Hyung-Soo Park cho biết: “Chính phủ Hàn Quốc có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhà nước hoạt động độc lập (kiểm toán độc lập, quản lý độc lập), và xây dựng hệ thống đánh giá chung. Đây là một bước tiến rất lớn trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước tại Hàn Quốc. Nhờ đó, từ năm 2004, nợ của các doanh nghiệp nhà nước đã giảm xuống, trong khi xếp hạng năng lực cạnh tranh tăng lên”./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN - Trung tâm Tin