Hàn Quốc có Trung tâm Quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng công và tư để “giữ cửa” các dự án đầu tư, nhờ đó cải thiện hiệu quả quản lý tài khóa quốc gia.
Mới đây, tại Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc tổ chức hội nghị khu vực châu Á chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2015 về Cải cách quản lý tài chính công ở các nước châu Á.
Nguồn lực tài chính công ở Việt Nam bao gồm ngân sách Nhà nước và tài sản công. Trong đó, tài sản công lại bao gồm: đất đai, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư quản lý. Để quản lý tài chính công, tài sản công một cách hiệu quả, Chính phủ đã đưa ra những chính sách khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai; chính sách khai thác nguồn lực tài chính từ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước và khai thác nguồn lực tài chính từ kết cấu hạ tầng.
Theo bà Tô Quỳnh Thảo, Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, hiện hệ thống chính sách về tài chính công ở Việt Nam tương đối đầy đủ nhưng còn phức tạp, thiếu đồng bộ và thiếu tính ổn định, dẫn đến nguồn lực lớn nhưng chưa được khai thác tốt; hệ thống công cụ tài chính được hình thành nhưng chưa đủ mạnh, còn bị hạn chế về năng lực, kết quả hoạt động dẫn đến kết quả thu tài chính cũng như vai trò điều tiết, kiểm soát thị trường còn hạn chế.
Bà Tô Quỳnh Thảo cho biết: Nguồn lực tài chính là rất lớn tuy nhiên cũng còn một số địa tô chưa được thu về ngân sách. Điều này có thể là do ở một số địa phương khi thực hiện việc định giá đất theo giá thị trường còn gặp nhiều khó khăn, có thể giá đất định thấp hơn giá thị trường nên thu ngân sách về đất chưa tốt. Thứ 2, hệ thống công cụ tài chính của Việt Nam cũng chưa được tốt. Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh hơn những công cụ tài chính trên thị trường để huy động khai thác các nguồn lực tài chính về đất đai là rất cần thiết.
Theo các chuyên gia, một quốc gia muốn phát triển bền vững, thịnh vượng thì việc đầu tiên là phải xây dựng được hệ thống quản lý tài chính công hiệu quả, lành mạnh. Điển hình như Hàn Quốc, để có bước phát triển vượt bậc từ một quốc gia nhận viện trợ, trở thành một quốc gia đi viện trợ như hiện nay cũng nhờ duy trì chính sách quản lý tài chính công hiệu quả.
Cụ thể, từ năm 1962 đến nay, Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục tiến hành các cải cách quản lý tài chính công khi cần thiết thông qua hệ thống đánh giá hoạt động kế toán và ngân sách điện tử, các biện pháp quản lý đầu tư hiệu quả và minh bạch.
Hàn Quốc cũng đã xây dựng Trung tâm Quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng công và tư (PIMAC) trực thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc - đây được coi là đơn vị “giữ cửa” cho các dự án đầu tư công và dự án hạ tầng tư nhân tại Hàn Quốc. Cơ quan này đã thành công trong việc thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu đánh giá lại về các dự án đầu tư công và dự án đầu tư của khu vực tư nhân trên cơ sở phân tích kinh tế và chính sách, qua đó cải thiện hiệu quả quản lý tài khóa quốc gia.
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Han Sungmin, Trung tâm Quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng công tư thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc, cho rằng: Việt Nam là một quốc gia có những đặc thù riêng, nên không thể áp dụng nguyên xi những kinh nghiệm từ Hàn Quốc hay bất cứ một quốc gia nào khác. Tuy nhiên, để quản lý tài chính công hiệu quả, việc đầu tiên là Việt Nam phải hài hòa giữa thu và chi tiêu công, đặc biệt cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong vấn đề thu - chi, có hệ thống theo dõi, phân chia trách nhiệm cụ thể đối với đối với những hoạt động thu - chi tài chính công”./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN - Trung tâm Tin