Cấm đường trên diện rộng, hạn chế tụ tập đông người, diễu hành, xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình… Cuộc sống ở Paris đang xáo trộn nghiêm trọng.
Cảnh sát phải dùng hơi cay giải tán đám đông ở quảng trường Republique.
Vụ việc đáng chú ý nhất ngay trước thềm khai mạc COP-21 là vụ đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình quá khích tại quảng trường Republique.
Trước yêu cầu giải tán của cảnh sát do theo sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại Pháp, việc tụ tập đông người bị cấm, hàng trăm người biểu tình quá khích đã ném chai lọ, gạch đá vào cảnh sát.
Phía cảnh sát đã dùng hơi cay và dùi cui để đáp trả và bắt giữ những kẻ cầm đầu. Gần 300 người đã bị tạm giữ và 170 người đã bị tạm giam.
Sự cố này càng làm cho mối lo an ninh bị đẩy lên cao, trong thời điểm mà nước Pháp mới trải qua vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris cách đây hơn 2 tuần.
Các thành viên Chính phủ Pháp như Tổng thống Hollande, Thủ tướng Manuel Valls hay Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đã lập tức lên án các hành động này và cho rằng nhóm người gây rối này chỉ có mục đích bạo lực, đồng thời đã phá hỏng cả khu vực tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố 13/11 tại quảng trường Republique.
Tuy nhiên, các đảng phái đối lập đã ngay lập tức nắm lấy sự việc này để chỉ trích các biện pháp an ninh quá mức cần thiết của chính phủ và cho rằng lực lượng cảnh sát cũng phải chịu trách nhiệm khi có dấu hiệu sử dụng sự trấn áp quá đà.
Với người dân thủ đô Paris, tất cả những căng thẳng này càng làm cho cuộc sống của họ trở nên ngột ngạt bởi để đảm bảo an ninh cho COP-21, từ sáng 29/11, cảnh sát Paris đã phong tỏa một loạt các tuyến đường ở vùng Paris.
Các tuyến cao tốc nối Paris với các sân bay lớn như Roissy Charles De Gaulle ở phía Bắc hay Orly ở phía Nam gần như bị đóng hoàn toàn.
Đường vành đai bao quanh Paris cũng bị đóng từng phần. Ngay trong nội đô, rất nhiều tuyến phố cũng bị cấm, đặc biệt quanh các khu vực có các đại sứ quán nước ngoài hay các khách sạn nơi các đoàn đại biểu nước ngoài lưu trú.
Cảnh sát Paris đã phải ra khuyến cáo người dân không sử dụng xe hơi và mô tô để di chuyển trong hai ngày qua và cũng chỉ sử dụng phương tiện công cộng trong tình huống thật sự cần thiết bởi lo ngại các phương tiện công cộng cũng sẽ quá tải.
Thậm chí, tòa thị chính Paris và Chính phủ Pháp còn khuyến nghị các công ty cho nhân viên làm ở nhà, các trường học cho phép học sinh đến muộn để tránh tắc nghẽn giao thông.
Những biện pháp cấm đoán này, cộng thêm sự căng thẳng do tình trạng khẩn cấp nhiều ngày qua đang khiến không ít người dân Paris bất mãn.
Nhiều lời phản đối đã được đưa ra khiến cảnh sát Paris phải tuyên bố mở lại tuyến đường A6 ở phía Nam, nối sân bay Orly với Paris, bởi đây là tuyến đường cửa ngõ phía Nam Paris, luôn có mật độ giao thông dày đặc, nhất là trong ngày thường.
Trong ngày hôm nay, tình hình giao thông cũng như mức độ cảnh giác an ninh sẽ ở mức cao nhất bởi là ngày khai mạc COP-21 nhưng cũng là ngày đầu tuần làm việc.
Khoảng 150 nguyên thủ và lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế sẽ tham dự phiên khai mạc ở công viên Bourget, nằm ở ngoại ô phía Bắc Paris, trong đó có cả lãnh đạo các cường quốc luôn cần bảo vệ an ninh đặc biệt như: Tổng thống Mỹ, Barack Obama; Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình…
Cuộc sống của người dân Paris được dự đoán sẽ chỉ bắt đầu trở lại bình thường sau ngày 30/11, khi đa phần các nguyên thủ này sẽ rời Paris, nhường COP-21 cho các phiên thảo luận căng thẳng và phức tạp về mặt kỹ thuật cho các chuyên gia và các nhà thương lượng./.
Theo Thùy Vân/VOV.VN - Paris