Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 15/12 cáo buộc một tàu ngầm Trung Quốc đã tấn công giả định bằng tên lửa vào tàu sân bay USS Reagan của Mỹ.
Tàu USS Reagan của Mỹ. Ảnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ)
Sputnik News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, vụ việc này diễn ra trên Biển Nhật Bản ngày 24/10. Theo đó, ngay khi rời cảng Yokosuka, tàu sân bay USS Reagan được cho là đã áp sát một tàu ngầm của Trung Quốc.
Theo tạp chí Washington Free Beacon đây là vụ “áp sát gần nhất” giữa một tàu sân bay của Mỹ và một tàu ngầm của Trung Quốc trong vòng 5 năm qua.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, căng thẳng gia tăng khi họ phát hiện ra chiếc tàu ngầm của Trung Quốc đã khóa mục tiêu tàu sân bay của Mỹ trong một cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc.
Hạ Nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ tuyên bố: “Nếu thông tin này là chính xác, nó một lần nữa cho thấy Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ có thể gây nguy hiểm đến các lực lượng của Mỹ trong khu vực.
Hành động mới nhất này của Trung Quốc là lời nhắc nhở chúng ta rằng, Trung Quốc đang đi theo con đường gây bất ổn trong khu vực và Mỹ đang phải đối phó với thách thức rất lớn trong việc duy trì ổn định về cán cân quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương”.
Ngoài ra, hành động này của Trung Quốc cũng được cho là vi phạm Quy tắc về Đối đầu Bất ngờ trên Biển (CUES), được các quốc gia thông qua, trong đó nêu rõ, chỉ huy Hải quân các nước cần phải tránh mọi hành động có thể gây ra hậu quả đáng tiếc.
“Việc tấn công giả định thông qua việc chĩa súng, tên lửa, ngư lôi hay các loại vũ khí khác vào hướng tàu hoặc máy bay đối phương là hành động không thể chấp nhận được theo CUES”, ông Forbes nói.
Trước đó, Chính phủ Mỹ quyết định giấu kín thông tin này do lo ngại quan hệ quân sự Mỹ - Trung ngày càng tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi được hỏi trực tiếp, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đại tá Darryn James vẫn khẳng định, Hải quân Mỹ hoàn toàn có đủ khả năng đối phó với Trung Quốc.
“Tôi có thể khẳng định rằng, Hải quân Mỹ hoàn toàn tin tưởng vào sự hiệu quả và năng lực của các tàu chiến và máy bay chiến đấu của mình”, ông James nói.
Vụ tấn công giả định nói trên xảy ra chỉ 2 ngày trước khi Mỹ đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen vào tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Đây được cho là hành động thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.
Bất chấp việc bị Mỹ cáo buộc mưu đồ thiết lập một Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng, mình có quyền xây dựng công trình trên các đảo mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền và bao biện rằng, các công trình này được xây chủ yếu vì mục đích nhân đạo./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN