Năm 2015, ngành Giáo dục có sự thay đổi đáng kể từ cấp Tiểu học đến Đại học đã khiến xã hội hết sức quan tâm và bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau.
Thông thư 30 quy định giáo viên nhận xét học sinh thay vì chấm điểm
Năm 2015 là năm thứ ba ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Để tạo bước đột phá trong đào tạo, ngành Giáo dục đã và đang có những thay đổi căn bản từ cấp Tiểu học đến Đại học. Tuy nhiên, những đổi mới đó cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận xã hội.
Giấy khen mỗi nơi một kiểu: Phụ huynh lo lắng
Năm 2015, các trường Tiểu học trong cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên đối với học sinh.
Tuy nhiên, với Thông tư 30, việc ghi vào giấy khen như thế nào là quyết định của giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng. Chính vì điều này mà mỗi trường lại có những sáng tạo, cách viết khác nhau.
Không còn giấy khen thành tích học tập, các trường Tiểu học đã tự sáng tạo ra nhiều kiểu động viên học sinh phấn khởi nhưng phụ huynh lại lo lắng, bối rối không biết con mình học hành ra sao, kết quả học tập thực chất như thế nào.
Cấm thi vào lớp 6, các trường rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”
Trong năm qua, nhiều trường THCS có uy tín về chất lượng đào tạo hay có số lượng đơn đăng ký vào học đông đứng trước tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, phấp phỏng chờ đợi, lo nghĩ phương án tuyển sinh khi Bộ GD-ĐT đột xuất yêu cầu các trường tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.
Trong khi các trường lo lắng thì các Sở GD-ĐT lại lúng túng không biết sẽ hướng dẫn các trường thực hiện tuyển sinh như thế nào.
Chủ trương cấm thi vào lớp 6 dường như không có giá trị gì khi đến cuối đến mùa tuyển sinh đầu cấp, hàng nghìn học sinh lớp 5 tại TP HCM làm bài thi khảo sát năng lực tiếng Anh vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nhưng theo các chuyên gia, từ nội dung bài khảo sát đến cách tổ chức, không khác gì một kỳ thi tuyển.
Nhiều người lo ngại, nếu cấm thi vào lớp 6 thì có thể dẫn đến nhiều hình thức thi tuyển khác như: kiểm tra IQ, EQ, AQ… Tuy nhiên, những hình thức này chưa được kiểm duyệt sát sao và tổ chức một cách bài bản ở Việt Nam.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 rơi vào cảnh “vỡ trận”
Năm 2015 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia. Kỳ thi được tổ chức với mục đích giảm áp lực xã hội và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế kỳ thi đã không được như xã hội mong đợi khi công tác xét tuyển vào các trường đại học đã gần như rơi vào cảnh “vỡ trận”.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong vòng 20 ngày của đợt xét tuyển đầu tiên, kể từ ngày 1 đến 20/8, thí sinh có quyền thay đổi các ngành trong 4 nguyện vọng hoặc rút hồ sơ xét tuyển vào trường đã đăng ký.
Việc xét tuyển đã trở nên phức tạp bởi thí sinh phải liên tục theo dõi thông tin từ phía các trường để cân nhắc chọn trường, chọn ngành phù hợp với số điểm thi, năng lực, sở trường của bản thân. Thông qua việc xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh mới quyết định có nên rút hồ sơ hay không.
Việc rút, nộp hồ sơ đã dẫn đến tình trạng náo loạn, mất trật tự, nhất là vào những ngày cuối của mỗi đợt xét tuyển. Phụ huynh và thí sinh rất mệt mỏi khi phải chầu trực nhiều ngày ở các trường đại học, cao đẳng và ngóng đợi điểm số, danh sách thí sinh nằm trong tốp an toàn trên bảng thông báo của trường như là “chơi chứng khoán”.
Tích hợp môn Lịch sử
Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” do Bộ GD-ĐT công bố có đề cập môn học mới là “Công dân với Tổ quốc”, dựa trên sự gộp, ghép cơ học của 3 phân môn: Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh. Vấn đề này ngay lập tức gây ra sự tranh luận, phản ứng nhiều chiều từ các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như nhiều nhà giáo với lo ngại, môn học này có thể bị “xé nát” hoặc nối ghép vụn vặt…
Sau khi lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ dư luận xã hội, cuối tháng 11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết yêu cầu tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Như vậy, môn Lịch sử tiếp tục là môn học độc lập, không bị tích hợp vào các môn học khác.
Ngay sau Quốc hội thông qua Nghị quyết như trên, nhiều nhà khoa học, sử học cho rằng, việc làm Quốc hội là kịp thời, sáng suốt và hợp lòng dân.
Dư luận phản ứng khi cho trường “ngoại đạo” đào tạo ngành Y
Trong năm 2015, việc Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành Y, dược đã khiến dư luận lo ngại vì cho rằng, đào tạo ngành Y chính là đào tạo đội ngũ y, bác sĩ cho đất nước để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Nếu đội ngũ y, bác sĩ không được đào tạo bài bản ở những cơ sở đào tạo có uy tín chất lượng thì rất nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
Bên cạnh đó, việc Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành Y dược khiến dư luận lo ngại sẽ có nhiều trường công lập và ngoài công lập mở ngành đào tạo thuộc khối Y, dược với mức điểm chuẩn “đầu vào” cũng chỉ bằng mức điểm sàn chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Sau quá trình thẩm tra, Bộ GD-ĐT đã có kết luận trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa được đào tạo ngành Y nhưng có thể được đào tạo ngành Dược trong mùa tuyển sinh năm 2016.
Mặc dù đã kết luận như vậy nhưng dư luận xã hội vẫn cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực về ngành Dược cần phải có thêm những tiêu chí khắt khe hơn./.
Theo Bích Lan/VOV.VN