Với cách làm hiện nay, chúng ta đang chờ khách mua chứ không đi vận động tại nhà. Có xã chỉ bán BHYT vào chiều thứ 2/5/7 tại UBND xã.
Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015. BHYT được chuyển đổi từ tự nguyện sang hình thức BHYT hộ gia đình.Thực tế trong quá trình thực hiện, việc thu BHYT đã nảy sinh nhiều vướng mắc, vượt quá tầm giải quyết từ cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Luật BHYT đã sửa đổi theo hướng tất cả các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, kể cả nhóm tự nguyện trước kia. Riêng nhóm tự nguyện tham gia BHYT hộ gia đình thì có giảm trừ. Nhóm thuộc khu vực chính thức, nếu không tham gia bị xử lý.
BHYT hộ gia đình được giảm trừ mức đóng theo số người trong hộ (sẽ không có hình thức xử lý nếu họ không tham gia). Đây là xu hướng chung ở nhiều nước trên thế giới… Cơ quan bảo hiểm cũng đã tăng kinh phí để vận động nhân dân tham gia BHYT; Mở rộng diện Ngân sách hỗ trợ (dân vùng biển, đảo, địa phương hỗ trợ thêm để hẹp dần nhóm theo hộ gia đình)… Cùng với đó, các chính sách sửa đổi cũng tăng quyền lợi BHYT (thông tuyến, trần cùng chi trả..); Tạo thuận lợi cho các bệnh viện từ nguồn quỹ BHYT.
Hiện nay, đang giao UBND cấp xã xác định và lập danh sách (thông tư áp dụng từ 10/2015), vì vậy vẫn còn lúng túng, khác nhau từng địa phương. “Thực tế, mỗi xã có 2-3 đại lý BHYT, chỉ ở Văn phòng UBND xã (cán bộ xã kiêm nhiệm, bán theo ngày, giờ), chờ khách mua chứ không đi vận động tại nhà. Có xã chỉ bán BHYT vào chiều thứ 2/5/7 tại UBND xã. Thường sau 1 tháng người dân mới có thẻ; chưa kể có nơi sau 1 quý mới có” - ông Nguyễn Văn Tiên nêu thực trạng.
Một lý do nữa, theo ông Tiên, sở dĩ số lượng người tham gia BHYT chưa cao là do các đoàn thể chưa vào cuộc vận động BHYT… xem ra đó là cơ chế mua bán/thị trường. Luật BHYT đã quy định, nhưng UBND các cấp chưa quan tâm lắm đến nhóm mà Ngân sách đã cấp, hỗ trợ (biển đảo, bãi ngang, cận nghèo..).
Để tăng cường công tác này, theo ông Tiên, biên chế viên chức, cộng tác viên ở xã cần được quan tâm, “ví dụ giáo dục: Cho 2-3 y tá ở trường học cấp xã, 5-8 viên chức bảo vệ các trường (10-12 biên chế viên chức ở xã) thì chả sao… vậy vì sao 1 viên chức làm BHYT thì không cho? Phải có người làm BHYT ở xã sẽ tốt hơn nhiều. Thực ra BHYT hiện nay chi khá nhiều tiền hoa hồng cho các đại lý, cơ quan khác” - ông Tiên nói.
Đối với BHYT hộ gia đình, theo ông Tiên, dù UBND cấp xã có danh sách, nhưng ít người mua thì sao? Nên chăng phải có chế tài bằng việc phải xác định BHYT là trách nhiệm chính của Y tế/BHXH. Nếu là đơn vị Y tế thực hiện thì trạm Y tế xã cử 1 cán bộ chuyên trách về việc này, đội ngũ cộng tác viên y tế tham gia và được hưởng tỷ lệ % của thẻ. Biên chế này BYT và BHXH đề nghị Chính phủ quyết định. Cùng với đó, phải có đội ngũ CTV tích cực đến từng nhà, nhất là dịp tết, lễ để vận động thân nhân mua BHYT… phải làm ráo riết như công tác DS-KHHGĐ và phải điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo đúng lộ trình.
Với Cơ quan BHXH, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, cần đổi mới cơ chế cấp thẻ BHYT, đưa phôi thẻ ngay khi trả tiền, nhưng giá trị sử dụng chậm lại theo quy định.
Về BHYT bắt buộc theo hộ gia đình, nên tiếp tục tìm các sáng kiến như 2015 để vận động BHTY hộ gia đình, vì Quốc hội đã đề nghị tìm các giải pháp phù hợp để thực hiện BHYT hộ gia đình. Sau 3-4 năm với giá dịch vụ y tế được điều chỉnh sẽ tiến tới áp dụng chặt chẽ BHYT hộ gia đình… Tăng cường các giải pháp vận động, tuyên truyền cả đối với người mua BHYT và cán bộ của ngành Y tế, Bảo hiểm.
Cùng chung các quan điểm này, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho rằng, muốn y tế phát triển thì phải có tiền, dịch vụ khám chữa bệnh tốt thì giá dịch vụ y tế mới có thể tăng được. Giá dịch vụ y tế của ta hiện nay quá thấp. Khi các bệnh viện tính đúng, tính đủ thì mới không thu thêm ngoài nữa. Nếu có thẻ mà thu thêm các khoản khác thì giá trị của tấm thẻ BHYT giảm đi rất nhiều. Hay như việc thực hiện BHYT hộ gia đình, dù BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn rất cụ thể nhưng mỗi nơi lại áp dụng, thực hiện một kiểu.
Mô hình “Chính quyền cấp xã quản lý đối tượng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình” đã đưa vào triển khai thí điểm tại xã Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội) nhằm cung cấp bằng chứng cho BHXH Việt Nam và Bộ Y tế triển khai văn bản pháp quy hướng dẫn thực thi Luật BHYT 2014.
Kêt quả thử nghiệm giai đoạn 1 (8/2014-8/2015) tập trung vào cấu phần 1 của mô hình về “chức năng quản lý đối tượng BHYT hộ gia đình của chính quyền xã”, các chuyên gia đánh giá độc lập đã nhận định rằng chính quyền thôn, xã hoàn toàn đảm nhiệm tốt chức năng quản lý đối tượng BHYT bằng việc phân công trách nhiệm minh bạch. Trong đó, chính quyền thôn thực hiện chức năng tạo lập và duy trì sổ cái tích hợp thông tin BHYT theo hộ gia đình với thông tin di biến động dân số và an sinh xã hội khác. Chính quyền thôn cũng là nơi thực thi hoạt động cập nhật thông tin và báo cáo thông tin đáp ứng yêu cầu tổng hợp của chính quyền xã. Chính quyền xã thực hiện tổng hợp thông tin toàn xã, truy xuất, báo cáo thông tin đáp ứng yêu cầu của BHXH và các ban ngành cấp trên, đồng thời thực hiện theo dõi, giám sát hoạt động thu thập thông tin của tuyến thôn.
TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho biết: Toàn bộ hệ thống thông tin được tổ chức lại theo hướng tin học hóa phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính và đáp ứng ngày càng thuận tiện cho cả người dân và cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Bằng lại bày tỏ lo ngại, nếu giao trưởng thôn bán BHYT nếu xảy ra tình huống họ không nộp tiền thì ai chịu trách nhiệm? Về lý thuyết thì rất hay nhưng thực tế như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng./.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN