Cập nhật: 15/01/2016 10:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2015 giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 24,77% đã góp phần giảm CPI chung của cả nước.

Năm 2015, mặt hàng xăng có 12 lần giảm giá, mặt hàng

 dầu diesel có 13 lần giảm giá. (Ảnh minh họa: KT)

Đánh giá về công tác điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ, người phát ngôn Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể là việc kinh doanh xăng dầu trong nước cơ bản đã vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngày càng phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh, tuân thủ các quy định của pháp luật. Giá xăng dầu trong nước được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, kịp thời, đảm bảo hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới, có tính đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ: Với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần, trong năm 2015 đã có tổng số 23 đợt điều hành giá xăng dầu. Ngoài một số lần giữ ổn định giá bằng các công cụ tài chính, riêng mặt hàng xăng có 12 lần giảm giá, 6 lần tăng giá; mặt hàng dầu diesel có 13 lần giảm giá, với tổng mức giảm là 7.017 đồng/lít, 4 lần tăng giá với tổng mức tăng là 1.998 đồng/lít.

Phân tích hiệu quả của công tác điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng dẫn số liệu của Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Năm 2015 giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 24,77% đã tác động kéo giảm chỉ số giá của một số nhóm hàng như “Nhà ở và vật liệu xây dựng” và “Giao thông” năm 2015 lần lượt giảm so với năm trước là 1,62% và 11,92%… đã góp phần giảm CPI chung của cả nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, việc chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong thời gian qua đã hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, đồng thời bảo đảm giá xăng dầu trong nước tiệm cận giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

“Cùng với việc giảm bớt 1, tăng thêm 5 để tạo thành 23 đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, đến nay cả nước đã có 69 thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên môi trường cạnh tranh tích cực, qua đó giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng được lựa chọn mua xăng dầu với mức giá phù hợp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong việc đảm bảo nguồn cung, giữ vững an ninh năng lượng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Petrolimex là doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo trên thị trường xăng dầu, luôn tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, thực hiện đúng tinh thần của Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ Công Thương.

Hiện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, có hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, hiện nay, chiếm khoảng 46-50% thị phần xăng dầu tiêu thụ nội địa cả nước. Nguồn cung xăng dầu phục vụ tiêu thụ trong nước luôn được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chú trọng, đảm bảo, kể cả trong những tình huống khó khăn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Đặc biệt, Tập đoàn còn phải thực hiện những nhiệm vụ cung ứng, đảm bảo xăng dầu cho những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo…

“Vai trò chủ đạo, trách nhiệm của một Tập đoàn kinh tế Nhà nước đã được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thể hiện rõ hơn thông qua sự hiện diện và gần như là doanh nghiệp đầu mối duy nhất hiện nay cung ứng xăng dầu, phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu người dân, doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Tệp đính kèm