Theo Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, đào tạo đại học sẽ giảm từ 4 đến 6 năm như hiện nay xuống còn từ 3-4 năm, trong đó có ngành y.
Ảnh minh họa: TTXVN
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, sinh viên ngành y phải học đến 6 năm, rất vất vả và tốn kém, nhưng sau khi ra trường chỉ được hưởng lương như các cử nhân học 4 năm ở những ngành nghề khác. Theo dự thảo mới, thời gian đào tạo bậc đại học ghi từ 3 đến 4 năm là có ý hướng tới ngành y cũng nằm trong khung này.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về chủ trương này của Bộ, ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học Y - Dược cho biết, việc đảm bảo quyền lợi cho sinh viên ngành y là hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, ông Hinh cũng cho rằng người dân không nên hiểu nhầm về chủ trương này. “Điều này không có nghĩa là sinh viên ngành y chỉ cần học 4 năm là có thể làm bác sỹ. Thậm chí, chúng tôi đã đề xuất với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc ngành y phải học lên 8 năm, và đã được Phó Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương. Ở các nước, ngành y còn học lên đến 10 năm, vì đây là ngành hết sức đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người,” ông Hinh nói.
Giải thích cụ thể hơn, ông Hinh cho biết, theo quy định mới của Bộ, với sinh viên ngành y, sau 4 năm đầu, người học được tính hoàn thành mức cử nhân, hưởng lương tương đương với những người tốt nghiệp ở các trường đại học khác.
Tuy nhiên, để làm bác sỹ, sinh viên sẽ phải học 6 năm, và sau khi tốt nghiệp các em được hưởng mức lương cao hơn, có thể tương đương mức thạc sỹ ở các ngành khác.
“Điều này đúng ra phải làm từ lâu. Như quy định hiện hành, sinh viên ngành y học 6 năm tốt nghiệp chỉ tương đương cử nhân là rất thiệt thòi,” ông Hinh nói./.
Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/de-an-giao-duc-moi-dam-bao-quyen-loi-cho-sinh-vien-nganh-y/366375.vnp