Hiệp định TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam kỳ vọng TPP sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng
GDP và xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Internet)
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó thống nhất chủ trương ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 2 tới. Quyết định này nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế và dư luận nói chung.
Cùng với nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ phấn khởi thành công Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đồng thời tin tưởng sau khi Chính phủ Việt Nam cùng với chính phủ các nước ký kết Hiệp định TPP sẽ mang lại lợi ích kinh tế mới, góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững và an sinh xã hội.
Ông Vũ Giao Long, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Phát nhận định, năm 2016 sẽ là một năm bản lề về mặt lịch sử đối với Việt Nam vì tới đây có Đại hội Đảng, hy vọng sẽ có đường hướng phát triển mới trong nhiệm kỳ mới.
“Đây cũng là thời điểm chúng ta chính thức bước vào hội nhập, chúng ta là một cộng đồng nhất quán và được tự do lưu thông hàng hóa và không bị những rào cản. Ngoài việc chủ động khai thác trong nước thì các doanh nghiệp khi nhập khẩu, xuất khẩu hay phân phối đều phải nghĩ tới việc làm thế nào để có thể thâm nhập được sâu hơn, mạnh hơn hướng tới thị trường 650 triệu dân chứ không chỉ là của 90 triệu dân Việt Nam,” ông Long nói.
Khi gia nhập TPP nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này là ngành dệt may.
Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành dệt may Việt Nam sẽ nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, thiết kế để tận dụng tối đa những cơ hội mà hiệp định TPP mang lại.
"Chúng tôi sẽ phải nỗ lực để kêu gọi các doanh nghiệp kể cả nước ngoài cũng như trong nước đầu tư vào những điểm yếu nhất của chúng ta. Thứ hai là phải tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để làm sao chúng ta tận dụng được các thành phẩm của nhau để làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may. Như vậy chúng ta mới đáp ứng được xuất xứ và được hưởng lợi từ FTA cũng như TPP”, bà Dung chia sẻ.
Bên cạnh những cơ hội, Ban Chấp hành Trung ương cũng nhận định, các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa trong TPP tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn, đặc biệt là với ngành nông nghiệp; một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu có thể lâm vào tình trạng khó khăn. Khi tham gia Hiệp định, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động...
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận nêu rõ cơ hội và thách thức mà Hiệp định TPP mang lại, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể, cùng những giải pháp để thực thi hiệp định, cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đối với việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.
“Tôi đánh giá cao quyết tâm chính trị, sự sâu sát và quyết định của Trung ương ủy quyền cho Chính phủ ký kết và tổ chức thực hiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam. Quyết định của trung ương chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể đối với công đoàn, hải quan, thuế, ngân hàng, tài chính và quan hệ với doanh nghiệp đảm bảo cạnh tranh, bình đẳng, công khai minh bạch. Tôi hy vọng thực hiện nghị quyết này của trung ương sẽ đem lại cải thiện rõ rệt về năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển tốt hơn,” TS. Lê Đăng Doanh nói.
Theo tính toán của những chuyên gia độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Riêng xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương của Việt Nam cho hay, sau quá trình ký kết, sẽ có 2 năm cho các nước phê chuẩn theo đúng quy định pháp luật của mỗi nước. Vì vậy, quá trình chuẩn bị để phê chuẩn hiệp định cũng chính là giai đoạn để chúng ta chuẩn bị nhằm tận dụng được những cơ hội mà hiệp định mang lại.
“Với doanh nghiệp thì đó là sức ép cạnh tranh đồng thời là sức ép hoàn thiện chính mình để vươn lên, nắm bắt được các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do đem lại. Với các nhà quản lý, sức ép về thay đổi tư duy thay đổi tư quản lý, tư duy làm chính sách trong minh bạch hoá và tăng cường khả năng tương tác với khu vực doanh nghiệp để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong bối cảnh đất nước chúng ta hội nhập ngày càng sâu vào khu vực cũng như kinh tế toàn cầu,” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Ban Chấp hành Trung ương cũng giao Bộ Chính trị chỉ đạo công tác chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời này, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách sẽ có những điều kiện thuận lợi vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội to lớn từ hiệp định TPP, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN - Trung tâm Tin