Theo VEPR, mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2016 là quá cao, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại.
NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm
2016 khoảng 18-20% (Ảnh minh họa: KT)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở đánh giá diễn biến và dự báo về kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, trong năm 2016, NHNN có định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20%.
Tăng tín dụng 18% là quá cao, chỉ nên 12-15%
Nhìn lại mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2015, các chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá: Mức tăng trưởng khoảng 18% cho thấy tổng cầu của nền kinh tế đang hồi phục mạnh. Tuy nhiên, về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 như NHNN kỳ vọng, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, “mức mục tiêu tăng trưởng này là quá cao, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại”.
Do đó, các chuyên gia VEPR đề xuất xem xét mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 ở mức 12- 15%, và thực hiện các biện pháp mang tính thị trường định hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất. Cụ thể, có thể xem xét điều chính tăng hệ số dự phòng chung, hệ số rủi ro với các khoản cho vay lĩnh vực không ưu tiên.
Đặc biệt, VEPR kiến nghị cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản.
Phân tích rõ hơn về kiến nghị này, các chuyên gia VEPR cho rằng, cầu tín dụng năm 2015 tăng cao hơn so với năm 2014. Tổng dư nợ tín dụng tính đến 18/12/2015 đã tăng 17,02% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2015 tiếp tục dưới mức tăng trưởng huy động, chênh lệch luôn ở mức 3,5-3,7%. Điều này tạo ra sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất huy động trong nước.
Theo thống kê của NHNN, có 11 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn từ 0,1-0,5%/năm trong tháng 12. Trong khi tín dụng tăng trưởng nhanh, GDP danh nghĩa năm 2015 chỉ tăng 6,48%, thấp hơn nhiều mức tăng hai chữ số các năm trước.
Vì thế, VEPR cho rằng, “việc đẩy mạnh tín dụng vượt xa mức tăng trưởng GDP danh nghĩa đang tạo ra những rủi ro mất ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ”.
Cảnh báo của VEPR cũng dễ hiểu và không phải quá mới trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo còn nhiều thách thức và chịu tác động của những biến động khó lường từ thị trường quốc tế. Các nghiên cứu gần đây đều cho rằng, tăng trưởng tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến 3 yếu tố quan trọng khác là GDP, lãi suất và lạm phát.
Do đó, định hướng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng thường dựa trên kỳ vọng chỉ số kinh tế vĩ mô. Ngay như Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định: năm 2016, NHNN tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát (dưới 5%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý (khoảng 6,7%), đảm bảo an toàn hệ thống, đây là điểm vô cùng quan trọng đã mang lại thành công trong điều hành chính sách tiền tệ những năm vừa qua.
Áp lực tăng cung tiền có thể đẩy lạm phát tăng
Song, lo ngại của các chuyên gia tại VEPR về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2016 là quá cao cũng đáng để suy ngẫm. Bởi vì, nhiều chuyên gia từng phân tích rằng, để có 1% tăng trưởng GDP phải đổi bằng 2-3% tăng trưởng tín dụng là một mức giá đắt, vì nó sẽ tạo áp lực lên tốc độ tăng cung tiền, từ đó có thể kéo lạm phát đi lên.
VEPR cho rằng, nhìn tốc độ tăng cung tiền vượt xa GDP danh nghĩa năm 2015 cho thấy đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá, lạm phát 2016 sẽ ở mức 4-5% (trong khi đó, CPI cả nước năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014, thấp nhất trong 14 năm qua và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra).
Nhiều phân tích khác cũng cho rằng, áp lực lạm phát năm 2015 khá nhẹ nên NHNN có thể giữ lãi suất ổn định, nhưng khi tăng trưởng mạnh mẽ lạm phát sẽ tăng trở lại vào cuối năm 2016. Theo HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại một cách rõ ràng trong nửa sau năm 2016 và dự báo CPI cả năm là tăng 5,1%.
Nhưng Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Năm 2016, NHNN thực hiện các giải pháp về tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, tiếp tục theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Cũng theo bà Hồng, tăng trưởng tín dụng năm vừa qua tăng cao hơn năm trước đã hỗ trợ đắc lực cho việc đạt tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu của cả năm 2015 - là năm then chốt trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng./.
Theo Xuân Thân/VOV.VN