Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 198.003,52 tỷ đồng, trong đó, không tính khoản thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện.
Nhân viên Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đang ghi chỉ
số công tơ của khách hàng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 1.539,35 đồng/kWh. Trong đó, chi phí trong khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.188,86 đồng/kWh.
Đây là thông tin được Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đưa ra trong buổi họp báo "Công bố thông tin về kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của EVN," diễn ra chiều nay (2/2), tại Hà Nội.
Theo ông Trần Tuệ Quang, Trưởng phòng Giá và phí (Cục Điều tiết Điện lực), năm 2014, tổng chi phí khâu truyền tải điện là 10.520,39 tỷ đồng, tương đương giá thành tính theo điện thương phẩm là 81,79 đồng/kWh.
Với khâu phân phối bán lẻ điện, tổng chi phí là 33.657,25 tỷ đồng, tương ứng mức giá thành là 261,66 đồng/kWh. Khâu cuối cùng là phụ trợ, quản lý ngành có tổng chi phí năm 2014 là 7,04 đồng/kWh.
Như vậy, doanh thu bán điện năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 197.128,89 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.532,55 đồng/kWh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo chưa nối với lưới điện quốc gia đã được hạch toán vào giá thành điện năm 2014. Trong khoản giá thành trên, khoản bù giá cho chi phí cấp điện ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo (Vũng Tàu) và xã Thạch An (Thành phố Hồ Chí Minh) là 142,76 tỷ đồng.
Ngoài ra, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2014 là 1.698,46 tỷ đồng, trong đó, thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các Tổng công ty Điện lực là 1.153,21 tỷ đồng.
"Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến điện năm 2014 của EVN là 823,83 tỷ đồng," ông Quang nói.
Trước đó, liên quan đến vấn đề giá điện năm 2016, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối 29/1, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù giá xăng dầu trong năm 2015 liên tục giảm mạnh, tuy nhiên, lượng điện chạy dầu chỉ chiếm chưa đến 1% tổng lượng điện sản xuất ra, do vậy dù xăng dầu có tăng hay giảm thì cũng chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến tổng lượng điện phát ra.
Mặc dù vậy, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, đến thời điểm này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa có đề xuất tăng giá điện nào gửi Bộ Công Thương.
Theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013, của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ xem xét phương án giá điện do EVN trình, nếu phương án giá điện tăng từ 7-10% thì EVN được quyền tăng sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt, còn trên 10% Bộ Công Thương sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
"Về giá điện nếu có thay đổi cần có đánh giá tác động về giá đầu vào, hiện Bộ chưa nhận được văn bản đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về điều chỉnh giá điện," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói./.
Theo ĐỨC DUY (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/dien-luc-viet-nam-lai-hon-800-ty-dong-tu-ban-dien-trong-nam-2014/369702.vnp