Nga đang phát triển một dự án robot nhằm thay thế các phi hành gia thực hiện những công việc nguy hiểm ngoài không gian.
Robot phi hành gia của Nga. Ảnh: Sputnik
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết: “Robot chiến đấu không chỉ sử dụng được trên chiến trường và còn có thể làm việc ngoài vũ trụ. Robot này trong tương lai sẽ là thành viên phi hành đoàn trên trạm vũ trụ quốc gia Nga”.
Robot này gồm có đầu, thân và hai cánh tay, có khả năng vận hành theo điều khiển từ xa của con người hoặc vận hành tự động.
Ông Rogozin cho hay họ đang lên kế hoạch đưa robot lên Trạm không gian quốc tế (ISS) để làm các nhiệm vụ nguy hiểm thay các phi hành gia. So với con người, robot có nhiều ưu thế hơn: Có thể hoạt động trong môi trường nguy hiểm, có sức mạnh hơn con người và không cần ngủ.
"Robot không có yếu tố con người: Không bị phân tâm, không bị ốm, không có cảm xúc và luôn luôn tập trung vào các nhiệm vụ", ông Sergey Khurs, người đứng đầu dự án nói.
Thời gian làm việc của robot cũng không bị hạn chế. Nếu các phi hành gia chỉ có thể đi bộ ra ngoài không gian từ 8-9 tiếng để thực hiện việc nghiên cứu hoặc sửa chữa ISS, robot có thể làm việc này trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng.
Báo chí nhà nước Nga, ngày 17/2, cho biết một nguyên mẫu của robot này đang được thử nghiệm tại cơ quan phụ trách khoa học công nghệ quân sự của chính phủ Nga. Hiện nó có thể thực hiện một số nhiệm vụ như lái xe hoặc hàn.
Trong tương lai, nó sẽ có đủ trí thông minh và khả năng tính toán để làm nhiều việc khác nhau hoàn toàn tự động.
Hoàng Lâm
Theo chinhphu.vn