Loãng xương là bệnh tiến triển âm thầm và hầu như không có biểu hiện gì đặc biệt cho đến khi xuất hiện các biến chứng nặng nề là gãy xương, biến dạng cột sống, tàn phế cả về mặt tâm lý cũng như về thể chất. Vậy những đối tượng nào hay mắc và việc phòng ngừa loãng xương như thế nào?
Đo loãng xương cho người cao tuổi. Ảnh: TM
Hiểu thế nào cho đúng về bệnh loãng xương
Trong bệnh loãng xương có sự suy giảm mật độ xương và tổn thương vi cấu trúc của xương, tức là có sự hủy hoại của các cấu trúc hữu cơ và vô cơ của xương. Kết quả là sức mạnh của xương bị giảm, làm cho xương dễ bị gãy. Trong xương xuất hiện nhiều các hốc xương, do các bè xương bị đứt gãy, làm cho xương trở nên xốp hơn. Chính vì vậy mà bệnh còn có tên gọi là bệnh xốp xương. Các khoáng chất như canxi, phospho cũng bị rửa trôi đi, hàm lượng chất khoáng trong xương giảm đi, xương trở nên nhẹ hơn. Do vậy bệnh có tên là loãng xương.
Biến chứng nghiêm trọng nhất của loãng xương là gãy xương. Ở nước ta, ước tính mỗi năm có khoảng 200.000 bệnh nhân loãng xương bị gãy xương. Khoảng 20% nữ và 30% nam bị gãy cổ xương đùi chết trong vòng 1 năm sau khi xương bị gãy. Những bệnh nhân sau gãy xương, đặc biệt gãy cổ xương đùi thường bị hạn chế đi lại và hay bị gãy xương một lần nữa cùng với nhiều biến chứng khác - dẫn đến giảm tuổi thọ, trầm cảm, giảm sút nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc loãng xương?
Có 5 đối tượng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao:
Thứ nhất, những người có tiền sử gia đình có bố mẹ bị loãng xương, gãy xương do loãng xương hay những người có tiền sử té ngã, hay gãy xương từ trước đó, đặc biệt do một sang chấn nhẹ. Nguyên nhân là do di truyền trong đó gene quyết định mật độ xương, hình thái và cấu trúc xương. Hậu quả là có những người sinh ra đã có bộ xương yếu ớt, dễ bị gãy.
Thứ hai là yếu tố tuổi và giới. Đó là người cao tuổi, cả nam và nữ trên 70 tuổi. Nữ giới từ 55 tuổi trở lên, phụ nữ mãn kinh sớm, sinh trên 3 con. Ở phụ nữ, sự mất xương bắt đầu xảy ra trước mãn kinh và đẩy mạnh hơn khi bắt đầu mãn kinh, do thiếu hụt estrogen (khoảng 2-3% mỗi năm), sau đó tốc độ mất xương chậm lại (0,5%/năm).
Thứ ba là những người thấp bé, nhẹ cân, có tư thế, dáng vóc bất thường, đặc biệt khi họ lại không được cung cấp không đủ calci và vitamin D, nghiện thuốc lá, rượu.
Thứ tư là những người có nghề nghiệp tĩnh tại, không tập luyện thể dục thể thao. Các phụ nữ nội trợ có tỷ lệ mắc bệnh loãng xương khá cao…
Thứ năm là các bệnh nhân mắc một số bệnh lý có thể gây loãng xương như cường giáp, đái tháo đường, cắt buồng trứng, cắt dạ dày- ruột, suy thận. Đặc biệt một số bệnh nhân phải sử dụng thuốc kéo dài một số thuốc có thể gây loãng xương như corticosteroid, thuốc lợi tiểu, thuốc chống động kinh. 50% bệnh nhân dùng corticosteroid bị loãng xương. Hiện nay có tình trạng lạm dụng corticoid, khi bệnh nhân tự mua thuốc dexamethason hay prednisolon để uống chữa bệnh thấp khớp. Ngay cả một số thuốc Đông y cũng bị thêm thuốc corticoid làm cho bệnh nhân không chỉ bị loãng xương mà còn mắc thêm cả các biến chứng nghiêm trọng khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quị, nhồi máu cơ tim…
Dấu hiệu nhận biết
Có tới 1/5 phụ nữ và 1/8 nam giới sau 50 tuổi mắc chứng bệnh này. Loãng xương lại tiến triển âm thầm vì hầu như không có biểu hiện gì đặc biệt cho đến khi xuất hiện các biến chứng nặng nề là gãy xương, biến dạng cột sống, tàn phế cả về mặt tâm lý cũng như về thể chất. Tuy nhiên có 3 dấu hiệu lâm sàng gợi ý loãng xương là thay đổi hình dáng cơ thể, đau lưng và gẫy xương.
Thứ nhất là thay đổi hình dáng cơ thể: gù, vẹo, giảm chiều cao. Trong ca dao Viêt Nam có nhắc đến hình ảnh bà còng đi chợ trời mưa. Đó chính là hình ảnh người phụ nữ cao tuổi bị loãng xương.
Thứ hai là biểu hiện đau lưng, bao gồm đau thắt lưng cấp tính và đau thắt lưng mạn tính. Đau cột sống cấp tính do xẹp đốt sống. Đau xuất hiện tự nhiên sau chấn thương nhỏ, thường khỏi sau vài tuần. Đau thắt lưng mạn tính kèm theo biến dạng cột sống, biểu hiện bằng đau thắt lưng kéo dài, có những đợt đau cấp tính rồi lại khỏi, kèm theo các thay đổi tư thế cột sống như gù, vẹo cột sống…
Thứ ba là gãy xương. Biểu hiện nặng nhất của loãng xương là gẫy xương: lún xẹp thân đốt sống, gãy chỏm xương đùi, gãy đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu.
Ngoài ra, các dấu hiệu gợi ý loãng xương khác là người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Trong lứa tuổi 50-70 có tới 20% phụ nữ bị loãng xương.
Phòng ngừa loãng xương thế nào?
Chiến lược chính để phòng bệnh loãng xương là chế độ ăn uống, hoạt động thể lực, phơi nắng.
Chế độ ăn uống: ăn đủ đạm, calori. Bạn cần khoảng 50 gr protein mỗi ngày, tương đương với một lạng cá biển, hai cốc sữa chua ít béo và một quả trứng. Cần hạn chế chất béo trong khẩu phần ăn vì cholesterol tăng phá huỷ xương. Cần đảm bảo đủ canxi, vitamin D. Cơ thể cần 1.000mg canxi (người ở độ tuổi từ 19 - 50), 400-800 đơn vị vitamin D /ngày và lượng nhỏ magiê, vitamin K hàng ngày để giúp xương chắc khỏe. Canxi có thể cung cấp từ thức ăn hay bổ xung từ sữa hay thuốc chứa canxi. Các thực phẩm hàng ngày như tôm, tép, cua, cá chứa nhiều canxi. Tốt nhất là ăn cá kho nhừ cả xương. Các loại rau muống, rau dền, rau bí, măng khô, đậu nành, xúp lơ, đều giàu canxi. Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa (bơ, phomat, yaourt…), trứng là nguồn cung cấp canxi quan trọng. Đối với những người béo, tăng lipid máu thì có thể dùng sữa gầy, là sữa có lượng chất béo thấp, chỉ cung cấp canxi cho cơ thể. Ngoài ra có thể dùng thuốc canxi để bổ xung. Cách bổ xung canxi tốt nhất là uống từng liều nhỏ trong mỗi bữa ăn, do ruột non không thể hấp thu quá nhiều canxi trong một lần. Cách tốt nhất để hấp thu 1000 mg canxi là chia thành hai lần. Nên uống canxi vào buổi sáng hay buổi trưa. Tránh uống canxi vào buổi tối vì có nguy cơ lắng đọng canxi ở thận gây sỏi thận. Cần uống canxi với nhiều nước để tránh lắng đọng tại thận. Cần chú ý là những người bị sỏi thận cũng vẫn có thể uống canxi một cách an toàn chứ không phải lo uống canxi làm sỏi thận to lên. Thực phẩm giàu vitamin D như nấm tươi, sữa, trứng, cá hồi, trai, sò... giúp cơ thể hấp thu được canxi. Cần ăn rau quả, là nguồn cung cấp magiê như rau lá xanh, các loại hạt và đậu. Thực phẩm giàu vitamin K là các loại rau có màu xanh đậm, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành xương. Các loại rau giàu vitamin K là súp lơ xanh, bắp cải, cải xoắn. Ngoài ra nên ăn nhiều rau, trái cây và thức ăn chứa nhiều estrogen tự nhiên như giá đỗ, đậu nành, lạc, vùng, bắp cải, tỏi, … vì chúng làm tăng khoáng chất trong xương.
Về chế độ hoạt động thể lực, cần tập thể dục đầy đủ. Tập thái cực quyền cũng làm tăng tính mềm dẻo cơ bắp, giảm nguy cơ ngã gãy xương. Ngoài ra cần điều chỉnh các yếu tố nguy cơ loãng xương như thay đổi các thói quen có hại (uống rượu, hút thuốc. Phòng chống ngã hết sức quan trọng. Môi trường trong nhà cần bố trí an toàn. Những người cao tuổi nên bố trí ở tầng trệt. Còn nếu ở tầng trên thì nên tránh leo trèo cầu thang nhiều. Nền nhà nên trải tấm xốp ở dưới, và phủ lớp trải nhựa lên trên để tăng ma sát, và giảm nguy cơ gãy xương khi ngã. Tránh để sàn bị ướt, trơn trượt. Đồ đạc trong nhà cần sắp xếp gọn gàng, bố trí đồ vật trong tầm tay với, chứ không nên cúi xuống nâng đồ vật lên. Những người cao tuổi mắc các bệnh tim mạch, Parkinson, đục thủy tinh thể, u xơ tiền liệt tuyến vào ban đêm nên đi tiểu tại giường vào dụng cụ đựng.
PGS.TS.BS Nguyễn Vĩnh Ngọc
Theo suckhoedoisong.vn