Những đổi mới trong Quy chế thi THPT Quốc gia 2016 dựa trên việc rút kinh nghiệm trong kỳ thi đầu tiên và lắng nghe ý kiến dư luận.
Năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi "2 chung" như năm 2015 (Ảnh: Minh Dương)
Sau dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, mới đây, Bộ Giáo dục– Đào tạo tiếp tục công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016 với nhiều thay đổi đáng lưu ý.
Với 19 nội dung sửa đổi, bổ sung so với Quy chế thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016 của Bộ Giáo dục – Đào tạo có nhiều thông tin mới đáng lưu ý về cụm thi, quản lý dữ liệu thi, cấp giấy chứng nhận kết quả thi, các kỳ hạn nộp giấy chứng nhận ưu tiên...
Theo TS. Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện của Bộ Giáo dục – Đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh, những đổi mới trong các dự thảo gần đây ra đời dựa trên việc rút kinh nghiệm trong kỳ thi đầu tiên và lắng nghe ý kiến dư luận.
Ông Hà Hữu Phú nêu rõ: “Chủ trương của Bộ Giáo dục – Đào tạo trong năm 2016, thứ nhất vẫn là hướng tới việc tạo điều kiện tối đa cho thí sinh, cho phụ huynh học sinh, cho các trường cũng như các sở giáo dục – đào tạo. Thứ hai, trên cơ sở những điều còn tồn tại, bất cập của năm ngoái, năm nay Bộ kiên quyết sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh sao cho phù hợp hơn, thuận lợi hơn, tiết kiệm hơn đối với thí sinh, phụ huynh học sinh, các trường đại học cũng như các sở giáo dục - đào tạo”.
Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, nội dung khiến nhiều người quan tâm nhất chính là việc các trường đại học chủ trì cụm thi được công bố kết quả thi, thay vì Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố như năm 2015. Theo đó, các hội đồng thi sẽ công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ và hoàn thành việc đối chiếu dữ liệu.
Đánh giá cao dự định ngưng độc quyền công bố điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016 của Bộ Giáo dục – Đào tạo, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing cho rằng: “Sự đổi mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc theo dõi kết quả thi. Việc độc quyền công bố kết quả thi dẫn đến rất nhiều bất cập. Thứ nhất, hệ thống hạ tầng về cơ sở mạng không thể nào đủ tải để cho thí sinh cùng một lúc đăng nhập vào đó để biết kết quả của mình. Thứ hai, sự chia sẻ đó khiến dữ liệu không được chuyển đến các đơn vị tổ chức cụm thi dẫn đến tình trạng ách tắc, ảnh hưởng đến việc công bố kết quả cũng như đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng”.
Bên cạnh đó, một thay đổi khác trong dự thảo này cũng khiến các trường quan tâm. Dự thảo quy định mỗi thí sinh chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất thay vì được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi như quy chế hiện hành. Cùng với đó là quy định không được thay đổi nguyện vọng vào các trường và ngành đã đăng ký. Nội dung này đang ghi nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau trong xã hội.
PGS. TS. Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều hay gây ra hiện tượng hồ sơ ảo với các trường đại học tốp trên, những trường mà tất cả thí sinh đều muốn vào. Nhưng với những trường đại học thuộc tốp 2, tốp 3 thì có. Vì thí sinh được nộp hồ sơ cùng lúc vào 2 trường trong đợt đầu tiên nên khi trúng tuyển vào trường tốp 1, đương nhiên các em sẽ bỏ các trường tốp 2, tốp 3. Do đó, các trường tốp 2, tốp 3 sẽ gặp phải hiện tượng hồ sơ ảo rất lớn, có khả năng 50% hoặc hơn”.
Dù chưa ban hành quy chế chính thức cho kỳ thi “2 chung” năm 2016 nhưng với nhiều đổi mới thông qua các dự thảo đã được công bố, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã chứng tỏ được một điều, đơn vị này đang lắng nghe dư luận và tích cực điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh cũng như các trường./.
Theo Mỹ Dung/VOV.VN