Polyp mũi là những chồi mô mềm, lành tính phát triển từ niêm mạc lót của mũi và các xoang. Polyp nhỏ ít gây triệu chứng, một số trường hợp polyp quá lớn có thể thay đổi hình dạng khuôn mặt.
Triệu chứng:
• Cảm giác nặng đầu, nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi màu xanh hay vàng, đặc, đôi khi có mùi hôi...
• Thỉnh thoảng có sốt nhẹ, ho có đờm. Khứu giác cũng giảm dần và có thể hoàn toàn không ngửi được mùi.
• Polyp lớn hoặc nhiều polyp nhỏ (đa polyp) có thể gây biến chứng: Viêm xoang cấp hoặc mạn tính, biến đổi cấu trúc của mặt gây song thị (nhìn đôi) hoặc 2 mắt xa nhau bất thường.
Nguyên nhân:
• Do hậu quả của viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính không được điều trị triệt để. Viêm mạn tính khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi xoang tăng tính thấm, tạo điều kiện cho nước tích tụ trong các tế bào. Theo thời gian, trọng lực sẽ kéo các mô ứ nước này xuống dưới, hình thành các polyp.
• Do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi nấm mà sinh ra.
Cách phòng chống:
• Trong nhiều trường hợp, polyp mũi không thể đề phòng được. Nhưng khi có hen suyễn, sổ mũi mùa hoặc viêm xoang mãn, cần uống thuốc đều đặn, tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, ô nhiễm như khói thuốc lá, bụi, phấn hoa...
• Súc rửa xoang bằng nước muối giúp giảm bớt sung huyết mũi ở những trường hợp nhẹ. Nên dùng nước muối không pha chất bảo quản benzalkonium để vệ sinh mũi hàng ngày.
• Có thể tự pha dung dịch muối để dùng: 1/4 muỗng cà phê muối ăn pha với 240ml nước ấm để súc rửa mũi. Dùng bơm tiêm hoặc chai nhựa để chứa dung dịch rồi bơm vào mũi. Dung dịch đã pha không dùng quá 24 giờ.
Theo suckhoedoisong.vn