Số lượng doanh nghiệp phá sản tăng lên một phần do cách làm ăn thời vụ, ngắn hạn và chụp giật nhưng phần lớn là thiếu được đầu tư dài hạn.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý I năm nay tăng
23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa: KT)
Con số được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới công bố cho thấy, trong quý I năm nay, số doanh nghiệp (DN) hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh lên tới 2.919 DN, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những DN có quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm tới 93%).
Đáng chú ý, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong quý I năm nay lên tới 20.044 DN, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, có đến 8.026 DN đăng đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 12.018 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.
Phân tích về việc gia tăng số DN ngừng hoạt động trong thời gian qua, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN nước ta hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Từ công nghệ cho đến máy móc thiết bị cho đến đầu ra của sản phẩm của các DN cũng bị phụ thuộc rất lớn vào điều này.
Trong khi thuận lợi của Trung Quốc là có khoảng cách địa lý quá gần với Việt Nam, đồng thời hàng hóa, nguyên liệu của Trung Quốc vừa phù hợp với thị trường Việt Nam lại có giá rẻ. Tuy rằng chất lượng máy móc, nguyên liệu của nước này chưa được cao nhưng vẫn được nhiều DN trong nước chấp nhận chấp nhận, bởi lẽ nhiều DN địa phương đang trong tình trạng “ốm yếu” nhưng nay có nguồn công nghệ và nguyên liệu giá rẻ sẽ rất hợp với cung cách “ăn xổi”, chỉ lo “ăn bữa nay không lo đến bữa mai” mà không tự chủ động nâng cao vị thế DN, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mặt khác, trong khi DN Việt Nam muốn vươn ra những thị trường lớn hơn nhưng lại bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý, từ đó phải tăng cao chi phí, trong khi hiểu biết về luật lệ cũng như văn hóa kinh doanh ở nước sở tại còn nhiều hạn chế. Chưa kể đến ở những thị trường lớn, công nghệ cũng như nguyên liệu có giá đắt gấp nhiều lần của Trung Quốc cho nên không thể đáp ứng được nhu cầu của tất cả các DN.
“Công nghệ và nguyên liệu ở những thị trường lớn tất nhiên có chất lượng tốt hơn, nhưng nếu so nồi đồng với nồi đất thì người nghèo vẫn phải chấp nhận sử dụng nồi đất trước, sau đó có điều kiện mới có thể sử dụng nồi đồng. Mặc dù ai cũng biết mua 1 cái nồi đồng đắt bằng mấy lần 1 cái nồi đất nhưng vì nghèo quá nên cứ phải mua nồi đất trước”, ông Khiêm ví von.
Để tăng “sức khỏe” từ đó hạn chế số lượng ngừng hoạt động động, ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, chính DN cần phải tăng cường nội lực, đó là quan trọng nhất. DN phải tạo được ra thế mạnh, có công nghệ và chất lượng nguồn lực thực sự chứ không chỉ là hô hào.
“DN phải có thể chế, quy định tạo động lực cho người ta yên tâm, hăng hái khai thác nguyên liệu địa phương hoặc tự túc nguyên liệu. Đồng thời, DN cần phải được trang bị công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực cần phải được đào tạo nhanh, có lộ trình để nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Những yếu tố mấu chốt này cần phải được làm khẩn trương để có thể nhanh chóng bù đắp được những thiếu hụt cho DN khi đang phải phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài”, ông Kiêm khẳng định.
Muốn làm được điều này, theo ông Kiêm, DN ngoài việc có công nghệ tiên tiến, con người với trình độ hiểu biết thì rất cần thiết có hệ thống pháp luật, đủ sức tạo động lực cho DN làm tốt. Mặc dù hiện nay luật pháp của nước ta về cơ bản là đầy đủ, nhưng quan trọng là ở khâu triển khai hóa, cụ thể hóa những quy định cụ thể của Chính phủ của các ngành, làm sao để biến những luật đó thành những quy định, hành động cụ thể áp dụng vào thực tế hoạt động của DN.
Ông Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng, hiện nay các DN vẫn đang trong quá trình tìm kiếm thị trường, do vậy ngoài việc có trình độ tiếp xúc và hiểu biết, DN cũng cần nâng cao trình độ thực hành của bản thân lên ngang tầm với các thị trường tiên tiến từ đó mới có thể tiếp cận và cạnh tranh nếu không sẽ bị tụt hậu, nhất là trong điều kiện các cơ quan Tham tán Thương mại tại nước ngoài dù mở rộng nhưng vẫn “lực bất tòng tâm” khi chưa đủ năng lực cũng như khả năng tư vấn bị hạn chế.
“Cơ bản vẫn là DN phải tự căn cứ vào nội lực của mình để bố trí chiến lược, phán đoán, dự báo và phát huy những ưu điểm hiện có, hạn chế những yếu điểm. Đây là việc làm chủ quan của mỗi DN không ai có thể làm thay. Nhà nước chỉ hỗ trợ về chính sách, về cơ chế về đào tạo nguồn lực cũng như quy hoạch kế hoạch. Còn vươn lên để đảm bảo kế hoạch, kết quả và có hội nhập được hay không vẫn chủ yếu là từ phía các DN”, ông Cao Sĩ Kiêm chỉ rõ.
Chung nhận định về thực tế hiện nay của các DN Việt Nam, TS. Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP HCM) cho biết, số lượng DN đăng kí mới cũng nhiều nhưng số lượng DN ngừng hoạt động, phá sản cũng không ít, chỉ vì nhiều DN làm ăn mang tính chất thời vụ, ngắn hạn và chụp giật hơn là đầu tư dài hạn.
Một trong những điểm yếu của DN Việt Nam là công nghệ, máy móc thiết bị. Trong khi nhiều DN không dám đầu tư khi không có nguồn vốn lớn và nhất là lãi suất thiếu ổn định. Do đó phải làm sao để có nguồn vốn đầu tư cho DN với mức lãi suất ổn định và thấp, giống như gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng sẽ khuyến khích DN đầu tư dài hạn.
“Tuy nhiên lãi suất phải ổn định, còn cứ để lãi suất bấp bênh thì DN sẽ lo sợ hôm nay vay với lãi suất này, ngày mai lại vay với lãi suất khác, nhất là khi tình hình lạm phát có thể quay trở lại, lãi suất tăng cao DN sẽ chết”, TS. Trần Hoàng Ngân cảnh báo.
Để khuyến khích DN phát triển trong điều kiện hội nhập toàn cầu, tạo ra cho doanh nghiệp sự cạnh tranh, TS. Trần Hoàng Ngân nhận định, bản thân DN phải được hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh: “Được hỗ trợ mới là điều cốt lõi nên DN rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất cũng như xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao thể trạng của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình có như vậy mới bước vào sân chơi lớn đó là điều chúng ta cần lưu ý”./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN