Đền Ngự Dội (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường) nằm ở đầu thôn Duy Bình trên bãi bồi sông Hồng, quay mặt về hướng Tản Lĩnh, đền được Chủ Tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) ký quyết định số 864/QĐ ngày 07/07/1994 xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ngày 05, 06 / 02 / 2012 (tức ngày 14, 15 tháng giêng năm Nhâm Thìn) dân làng trong thôn cùng du khách thập phương đã tổ chức lễ rước nước sang đền Và để làm lễ Tắm Thánh.
Đền được lập để lưu giữ dấu linh của Đức Thánh Tản Viên trên mảnh đất Vĩnh Ninh, nơi gắn với huyền tích hai cô thôn nữ nhờ phép màu của Đức Thánh đã dùng sọt gánh cỏ mà gánh được nước sông Hồng dâng lên để Đức Ngài gột tẩy bụi trường chinh trước khi Ngài về hóa Thánh trên đỉnh non Tản. Qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Ngự Dội xưa không còn nữa. Năm 1989, đền bắt đầu được khởi công tôn tạo và bảo tồn cho đến nay.
Lễ hội diễn ra vào các ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm, đặc biệt vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì đền Và rước kiệu Thánh sang đền Dội để làm lễ Tắm Thánh còn vào những năm khác thì đền Dội lại rước nước sang đền Và.
Lễ rước kiệu nước đi trong đêm vào lúc 4 giờ sáng, từ đền Ngự Dội, đám rước đi qua bến sông, vào thị xã Sơn Tây, qua cầu Công đến đền Và. Đoàn rước xếp thành một dãy dài với 8 kiệu, cờ phướn rợp trời, đoàn đi trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, hương trầm ngào ngạt, trống hội âm vang khiến cho lễ hội vừa mang tính linh thiền mà cũng rất gần gũi với đời thường. Khi đoàn rước về đền Và, ấy là lúc diễn ra lễ khai hội cùng lễ tiến đốn và lễ tế. Nhân dân hai bên bờ sông Hồng cùng chung không khí linh thiêng của lễ hội, hòa vào các trò chơi dân gian thú vị. Đến khi lá cờ ở cổng phất về phía sông Hồng, đoàn người lại cùng nhau rước kiệu nước trở về đền Ngự Dội ở bên kia sông.
Nếu như lễ hội đền Và là một trong các lễ hội to và đông vui nhất ở thị xã Sơn Tây thì lễ hội đền Ngự Dội cũng được xác định là lễ hội vùng của huyện Vĩnh Tường. Người dự hội có thể thấy ở lễ hội đặc sắc này sự hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình, no ấm của người dân vùng ven bãi sông trong suốt dọc dài lịch sử./.
Kim Dung – XTDL