Cập nhật: 05/04/2016 10:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam được đánh giá có khung pháp lý bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh, nhưng công tác thực thi và giám sát kém hiệu quả.

Bà Nguyễn Vân Anh

Hôm nay (5/4) Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi, được đổi tên thành Luật Trẻ em). Đây là sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm từ các cá nhân, tổ chức quan tâm đến vấn đề phụ nữ và trẻ em.

Báo động các vụ xâm hại trẻ em

Thông tin từ Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, trong 5 năm qua (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400 đối tượng.

Theo nghiên cứu gần đây nhất của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ từ 2 TP HCM và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% người chứng kiến đã không có hành động gì. Theo nghiên cứu của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), đại diện cơ quan điều phối Mạng lưới phòng, chống bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet): “Đó là con số đau lòng, khiến những người có lương tri phải hổ thẹn. Những con số vừa nêu càng đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay và quyết liệt hơn nữa.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh, nhưng công tác thực thi và giám sát thực thi kém hiệu quả đang là rào cản để Việt Nam tiến xa hơn nữa trong nỗ lực giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em”.

Bà Nguyễn Vân Anh cho biết, tình trạng trẻ em bị xâm hại gia tăng một phần do do gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề, cũng như chưa đủ kiến thức, kỹ năng để cùng con bảo vệ an toàn khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực. Các vụ việc xảy ra chưa được xử lý nghiêm minh, nhiều vụ hình sự nghiêm trọng nhưng lại được thương lượng dân sự.

Điển hình gần đây nhất là vụ thiếu úy Công an Hải Dương đánh bạn gái chấn thương sọ não, nhưng nạn nhân đã rút đơn kiện không rõ lí do. Vụ chị Hồng bị chồng cắt đứt gân chân tay ở Bắc Giang bị hoãn xử nhiều lần, nạn nhân và nhân chứng bị gia đình thủ phạm đe dọa.

Định kiến với nạn nhân bị bạo lực khiến nạn nhân cảm thấy xấu hổ, im lặng chấp nhận và không dám tố cáo. Trong khi đó, hệ thống luật pháp còn một số kẽ hở, ví dụ như Luật Lao động có nói về quấy rối tình dục nhưng không có định danh thế nào là quấy rối tình dục. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đề cập đến bạo lực tình dục nhưng cũng không xác định rõ các hành vi cụ thể nào bị coi là bạo lực tình dục. Luật Hình sự có tội danh dâm ô nhưng không thể xử lý các hành vi dâm ô vì thiếu các bằng chứng thực thể.

Cần đưa giáo dục Bình đẳng giới vào nhà trường

Nhân sự kiện Quốc hội thông qua dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), bà Vân Anh kiến nghị: Quốc hội thúc đẩy các thảo luận với Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc cần biên soạn chương trình giáo dục Bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em cho trẻ em từ bậc tiểu học tới THPT với các kiến thức, kỹ năng phù hợp với lứa tuổi, để giúp các em hiểu và chủ động bảo vệ mình.

Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, đặc biệt các luật liên quan tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để các vụ việc bạo lực được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Bên cạnh đó, các cơ quan hành pháp, tư pháp từ cấp cơ sở cần đặt người bị hại làm trung tâm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong việc giải quyết các vụ xâm hại tình dục, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, các cán bộ thực thi pháp luật cần có nhạy cảm giới cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc với những nhóm dễ tổn thương.

Xem xét việc bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới quấy rối tình dục nơi công cộng trong Bộ Luật Lao động trong kỳ Quốc hội mới như quy định rõ về hành vi, tội danh.

“Có 2 nội dung quan trọng chúng tôi kiến nghị Quốc hội lưu tâm khi thông qua Luật, đó là: Đảm bảo trẻ em từ bậc mẫu giáo tới THPT được giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi, để các em có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong tình huống bị quấy rối hay xâm hại; tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 để phù hợp với tiêu chí về trẻ em trong Công ước LHQ về Quyền trẻ em và để trẻ em nhận được nhiều cơ hội giáo dục và bảo vệ” - bà Vân Anh kiến nghị./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm