Cập nhật: 15/04/2016 08:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ai cũng thấy sức khỏe là vàng. Đời người là hữu hạn. Ai cũng muốn trường thọ và cũng có một số biện pháp giúp sống lâu, khỏe mạnh.

Ảnh minh họa (Nguôn Internet)

Tôi nghe được một câu rất hay và thấy thật đáng suy ngẫm. Đó là “Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc”.

Bí quyết trường thọ

Sống khỏe: Ai cũng thấy sức khỏe là vàng. Đời người là hữu hạn. Biết bao điều chúng ta hằng mong muốn được học hỏi, được cống hiến, được hưởng hạnh phúc… Nhưng không có sức khỏe thì không có gì hết. Những người bất hạnh nhất là những người thiếu sức khỏe. Ngày nay, nhờ tiến bộ lớn lao của y học mà rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã bị đẩy lùi, tuổi thọ ngày một nâng cao. Ai cũng muốn trường thọ và cũng có một số biện pháp giúp sống lâu, khỏe mạnh, đó là:

- Tập thể dục: Vận động thường xuyên không chỉ giúp giữ gìn tính linh hoạt, đàn hồi và sự cân bằng của các khớp xương mà còn giữ cho trí não được minh mẫn và hệ tim mạch khỏe mạnh.

- Giảm stress: Theo một nghiên cứu trên những phụ nữ 100 tuổi của Trung tâm y khoa Boston (Mỹ), các cụ có cuộc sống tích cực, hoà đồng và thái độ ung dung thoải mái thì có khuynh hướng ít bị rối loạn thần kinh chức năng.

- Thời gian mang thai: Một số nghiên cứu mới đây trên Tạp chí Nature cho thấy, phụ nữ mang thai lần đầu trong độ tuổi 30-40 có khuynh hướng sống thọ hơn.

-Giấc ngủ: Một khám phá của Hiệp hội Ung thư Mỹ cho thấy, người ngủ quá nhiều có sức khỏe tệ hơn người ngủ đủ thời gian. Một người trung bình ngủ 7 giờ/ngày có tỷ lệ tử vong thấp nhất, còn 9 giờ/ngày có nguy cơ cao.

- Bữa ăn: Chủ yếu ăn nhiều hoa quả, rau xanh ít qua chế biến, ngũ cốc dạng hạt như đậu Hà Lan, củ quả và uống đều đặn sữa chua. Lưu ý, dùng dầu ôliu thay cho mỡ động vật, dùng canxi có trong cải bắp, cải bông, cam chanh, uống đủ nước mỗi ngày giúp nước tiểu sạch. Ngoài ra có thể dùng trà xanh, trà đen... giải khát mỗi ngày.

Quan niệm trường thọ của ngàn đời xưa

Danh y Tuệ Tĩnh từ lâu đã đưa ra một bí quyết trường thọ rất nổi tiếng. Bí quyết này được tóm tắt trong hai câu dễ nhớ như sau: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

Chữ bế tinh mà Tuệ Tịnh muốn nói đến là có ý khuyên chúng ta nên hạn chế tình dục, không nên hoang phí quá độ. Biết khi nào tiêu xài và khi nào nên lưu trữ. Tiêu xài thế nào là điều luôn luôn phải được nghĩ đến. Đó là chưa nói đến việc tiêu xài không có chọn lọc và cẩn thận sẽ đưa đến bệnh tật hiểm nghèo bất trị nữa. Dưỡng khí là đem năng lượng khí trời trong sạch vào hạ đơn điền để biến thành tinh khí, thành năng lực luân lưu khắp châu thân để bảo toàn sự sống. Phải bế tinh thì dưỡng khí mới có kết quả. Tinh cạn kiệt thì khí không thể điều động để trở thành năng lực nuôi sống, bảo toàn sức khỏe một cách tốt nhất được. Tồn thần cũng phải được hiểu là “giữ thần”. Thần được lưu giữ nhờ sự bình an trong tâm hồn, nhờ giấc ngủ yên lành không mộng mị. Quả dục là giảm thiểu sự ham muốn, sự đòi hỏi, sự thèm khát. Tham vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn.

Chính vì lòng ham muốn này đã dẫn dắt không biết bao nhiêu người đi vào vực sâu, mất an vui, hạnh phúc và gần nhất là sức khỏe bị suy mòn, tinh thần bị lụi bại. Vì thế, nếu muốn khỏe mạnh và sống lâu thì phải biết chế ngự lòng ham muốn, tính tham lam, thèm khát. Thủ chân tức là luôn luôn theo đuổi một điều gì mình cho là chân lý, là lý tưởng. Đời người phải hướng về một mục đích nào đó để phục vụ, để thờ phụng thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Thật là tội nghiệp cho ai đó cứ tưởng phương tiện là mục đích. Nếu biến phương tiện thành mục đích thì con người sẽ trở thành nô lệ cho những đối tượng tầm thường. Rất nhiều người coi tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, danh vọng, sắc đẹp là mục đích trong khi chúng chỉ là phương tiện. Cả đời họ chỉ lo chạy theo những thứ vật chất mau đổi thay, mau tan rã, không tồn tại lâu dài này. Tự biến mình thành nô lệ mà mình không bao giờ tỉnh thức. Luyện hình được hiểu là rèn luyện cơ thể. Nói một cách thật dễ hiểu là tập luyện cho thân hình luôn luôn khỏe mạnh, cường tráng.

Nhưng luyện hình mà Tuệ Tĩnh muốn nói không đơn giản chỉ là những động tác thể dục bình thường mà là những cách tập luyện toàn diện giúp cho nội lực luôn sung túc và đả thông được các huyệt đạo trong lục phủ, ngũ tạng. Cách luyện hình của người xưa tại Á Đông được truyền bá giới hạn trong các môn phái yoga, thiền và nhất là trong các môn phái khí công. Để đạt được cả hai phần thể chất và tinh thần, Tiên thiên khí công vừa có các cách luyện tập vận khí, đưa năng lượng khí trời trong sạch vào trong cơ thể làm thông các huyệt đạo, vừa đưa khí vào để biến tinh khí thành thần để thay thế thức ăn, thức uống. Ngoài các cách tập luyện về phần làm khang kiện thể chất, Tiên thiên khí công cũng có phần tập an định về tinh thần để đạt được sự an lạc, tự tại.

Từ xa xưa, con người đã dốc sức đi tìm các loại thuốc trường sinh nhưng không có cách nào thoát khỏi quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Ai cũng mong muốn trường thọ để được sống lâu với con cháu, vui hưởng tuổi già. Nhưng có lẽ không ai muốn mình vì bệnh tật mà phải sống đời sống thực vật, sống mà không biết gì, gây khó khăn, vất vả cho con cháu. Chính vì vậy, khi đã hết mệnh thì nên nhắm mắt xuôi tay, từ biệt cõi đời một cách thanh thản.

Chuyệnít của để dành có lẽ không trùng với tâm lý của nhiều người đương thời. Không ít người tìm đủ mọi cách, kể cả những cách phi đạo lý để tích lũy tiền bạc, nhà cửa, ruộng đất với mong muốn để lại sự vinh hoa, phú quý cho các thế hệ con cháu. Thực tế cho thấy, họ đã nhầm lẫn một cách tai hại. Con cái, cháu chắt đâu sống mãi được với kho tàng vật chất ấy. Ngược lại, có sẵn tiền của rồi còn cần gì học hành, phấn đấu. Kết quả là miệng ăn núi lở, của thiên trả địa hết. Và không ít những kẻ ăn không ngồi rồi ấy đã sa ngã vào con đường cờ bạc, nghiện hút, trai gái, thậm chí chết vì HIV/AIDS. Đấy là chưa kể đến sự mâu thuẫn lẫn nhau đến mất nhân tính do tranh giành của cải thừa kế. Tấm gương rõ nhất có lẽ ai cũng biết là việc quyết định sử dụng tài sản của người giàu nhất thế giới - ông chủ tập đoàn Microsoft nước Mỹ - Bill Gates. Trong di chúc soạn sẵn, ông chỉ dành cho mỗi đứa con của mình 10 triệu USD trong tổng số gần 53 tỷ USD giá trị gia tài của vợ chồng ông. Số còn lại, ông muốn chúng được chi dùng vào những việc công ích cho nhân loại, mà theo lời ông, số tiền đó quay lại với thế giới theo những cách ý nghĩa và hiệu quả nhất.

Và cuối cùng, cũng là thành quả lớn nhất của một đời người sống và làm việc trong sáng, hữu ích - đó là để cho nhiều người thương tiếc. Tôi không bao giờ quên được cảnh nhân dân ta, cả già lẫn trẻ, đã khóc nức nở như thế nào khi nghe tin Hồ Chủ tịch qua đời. Sự thương tiếc Người là sự thương tiếc tận đáy lòng vị Cha già dân tộc đã hy sinh suốt cuộc đời vì hạnh phúc lâu dài của toàn thể nhân dân ta. Khó có ai ví được với Người, nhưng biết bao nước mắt đã tuôn chảy một cách chân tình của những người tham dự các buổi tang lễ những liệt sĩ, những học giả, những nghệ sĩ, những thầy giáo, thầy thuốc - những người đã để lại trong tâm khảm mọi người về một cuộc sống tốt đẹp, thủy chung, cùng với những hy sinh, những cống hiến lớn lao cho đất nước.

Tấm gương của những bậc trưởng lão sống suốt đời gương mẫu sẽ là của để dành quý giá nhất cho con cháu và những người thân thiết. Đó là bia mộ tinh thần còn mãi với thời gian và lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Còn gì sung sướng hơn khi được thanh thản về cõi vĩnh hằng khi không có gì phải ân hận trong suốt cuộc đời mình. Muốn được như vậy đâu có dễ. Phải vượt qua mọi cám dỗ của hư danh, tiền bạc, địa vị, dục vọng để sống thật có ích cho đất nước và để lại tấm gương tốt lành nhất cho các thế hệ con cháu.

GS. NGUYỄN LÂN DŨNG

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm