Cập nhật: 16/04/2016 09:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thiết lập mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an an toàn tốt sẽ là nỗ lực hình thành một thói quen tiêu dùng mới.

Rau an toàn tiêu thụ khó khăn do giá thường cao hơn các loại rau khác từ 4.000 – 7.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng có thói quen mua hàng nơi người quen, hàng hóa có mẫu mã đẹp, giá rẻ… nên thị trường rau sạch của TP Cần Thơ đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Trước thực trạng này, TP Cần Thơ đang tích cực nhân rộng nhiều mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó nỗ lực hình thành một thói quen tiêu dùng mới.

TP Cần Thơ hiện có 7 điểm bán rau sạch, rau an toàn nằm trên địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Nguồn hàng do các đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác từ  tỉnh Lâm Đồng, TP Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long và Sóc Trăng cung ứng. Tuy nhiên, người tiêu dùng khi đi chợ thường có thói quen lựa chọn những loại rau quả có màu sắc đẹp, bắt mắt, giá lại rẻ so với rau an toàn nên việc tiêu thụ gặp khó khăn.

Anh Nguyễn Hoàng Phát, một khách hàng mua rau tại chợ Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho biết, anh vẫn hay chọn những điểm bán rau quen thuộc, giá rẻ để mua. “Mình nghĩ là người ta nhập về rau tươi mới thì mình xài. Trước giờ mình mua như vậy thì, cứ mua y như vậy thôi”, anh Phát cho biết.

Bà Lê Ngọc Lý, Giám đốc Xí nghiệp chế biến thực phẩm 2 cho biết, đơn vị của bà có nhiều điểm bán hàng nông sản sạch, an toàn với gần 20 chủng loại rau, quả khác nhau. Song tình hình tiêu thụ khó khăn, bởi giá rau an toàn giá thường cao hơn các loại rau khác  từ 4.000 – 7.000 đồng/kg.

“Cái khó của việc bán rau an toàn hiện nay là giá cạnh tranh. Dù đã tuyên truyền vận động, một số người tiêu dùng ý thức được rau an toàn là tốt cho sức khỏe họ sẽ mua, còn một số người tiêu dùng cứ nhìn bên ngoài rau đẹp, giá rẻ là họ chọn. Do đó rau an toàn dù có thị trường nhưng thị trường chưa được rộng”, bà Lý cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thành phố có 7 điểm bán rau sạch, an toàn, nhưng chỉ có 3 điểm hoạt động hiệu quả; số còn lại gặp khó khăn do nguồn hàng không đa dạng, giá cao. Mặt khác, người dân vẫn có thói quen sử dụng các loại rau quả nhưng ít quan tâm đến nguồn gốc.

Trước thực tế này, bà Kiều cho biết, thời gian tới TP Cần Thơ sẽ  áp dụng một số chính sách cho các sản phẩm rau an toàn, từ đó phấn đấu hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời thành phố tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu được tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, củ quả đến sức khỏe của người tiêu dùng.  

“Sở NN&PTNT sẽ tăng cường tuyên truyền trong công chức viên chức, người lao động và người sản xuất nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi bên trong vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn nhằm thay đổi hành vi. Đồng thời, Sở cũng tham mưu hỗ trợ các chính sách đối với sản phẩm rau an toàn kết nối được với tiêu thụ, từ các điểm bán đến các bếp ăn tập thể cũng như các nhà hàng”, bà Kiều cho hay. 

An toàn vệ sinh thực phẩm đang vấn đề cấp thiết hiện nay. Việc đưa các sản phẩm rau sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn, có kiểm định, có truy xuất nguồn gốc bày bán tại các địa điểm trên địa bàn thành phố là việc làm cần được nhân rộng, nhằm hình thành một thói quen tiêu dùng mới. Qua đó, phong trào “nói  không” với sản phẩm sản xuất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe cho cộng đồng ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả./.

Theo Nguyễn Hải - Quỳnh Thy/VOV.VN

Tệp đính kèm