Hiện nay ở nước ta mà chủ yếu là ở miền Bắc vẫn còn lưu giữ nhiều ngôi đình cổ có giá trị. Trong đó có đình Hội Thịnh tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là công trình có giá trị về nghệ thuật và lịch sử. Tháng 02/2011 đình Hội Thịnh được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tên đình được gọi theo tên làng Hội Thịnh xưa - một làng lớn của tổng Hội Hạ, tiền thân của xã Hợp Thịnh ngày nay. Từ trung tâm thành phố Vĩnh Yên (tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Phúc) theo Quốc lộ 2A (Hà Nội - Hà Giang) hướng lên Việt Trì, đi khoảng 7 km, đến điểm ngã tư Hợp Thịnh, rẽ phải đi thêm khoảng 1km là tới đình Hội Thịnh - đình nằm phía trước bên phải trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Hợp Thịnh.
Đình Hội Thịnh được xây dựng từ khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XVII, không rõ năm khởi dựng. Ngôi đình cũ cách vị trí ngôi đình hiện nay khoảng 3m về phía sau, thuộc trung tâm Hội Hạ xưa, nay thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương. Theo lời truyền của nhân dân, quy mô ngôi đình xưa rất lớn. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đình bị giặc đốt phá nên hư hại nặng và dần dần hoang tàn, rêu phong. Đến năm 1997, nhân dân địa phương đã vận động quyên góp công sức phục dựng lại tòa hậu cung trên nền cũ. Năm 1999, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự đồng tâm góp sức của nhân dân thập phương, tòa đại bái được phục dựng khang trang như hiện nay. Năm 2008 MTTQ xã phối hợp với Ban quản lý đình và Hội người cao tuổi xã vận động các gia đình, cá nhân cung đức được 200 triệu đồng xây 4 Thiên Trụ và hiến tặng nhiều câu đối có giá trị.
Đình Hội Thịnh hiện nay được dựng trên một gò đất cao, bằng phẳng, nhô ra bên mép hồ nuôi trồng thủy sản, quay lưng về phía đường trước UBND xã Hợp Thịnh, đình có quy mô khang trang, tọa lạc trên diện tích 1394m2 nhìn về hướng Tây Nam. Trước cổng là 4 Thiên Trụ và lăng mộ của ông Phùng Văn Minh cùng thầy của ngài là thầy Phùng Quý Công. Sân đình khá rộng, lát gạch đỏ. Quanh sân trồng nhiều các loại cây cảnh để tạo thêm vẻ đẹp xanh tươi và làm bóng mát cho ngôi đình, nổi bật là cây đa cổ thụ ở bên trái đình. Bước lên tam cấp là vào tới không gian thờ cúng thiêng liêng của đình. Đình gồm có hai tòa: đại đình (đại bái) và hậu cung nối liền nhau tạo cho đình Hợp Thịnh có mặt bằng kiểu chữ Đinh. Đại đình gồm năm gian, hai trái có kích thước 16,8m x 6,8m, gian chính rộng gần 4m, đây là nơi tế tự, cúng lễ. Đại đình có kết cấu bốn hàng chân cột với 24 cột lớn làm bằng xi măng cốt thép sơn giả gỗ. Tuy nhiên toàn bộ phần kết cấu đỡ mái (dàn mái) với hệ thống hoành xà, kẻ, bẩy… và các đầu cột đều được làm bằng gỗ và được chạm khắc, trang trí mỹ thuật theo kiểu truyền thống. Cửa đình được mở ra ở ba gian giữa, mỗi gian bốn cánh cửa gỗ được làm theo kiểu thượng song hạ bản. Hai bên gian ngoài của đình xây tường hồi bít đốc, có trổ lỗ gió trang trí bằng hình chữ Thọ. Hậu cung đình gồm hai gian dọc có kích thước 8,8m x 9,5m, hai bên có hai hành lang nhỏ để làm lối đi lại, tiến lễ. Hậu cung được nâng sàn lên cao 2m và được bưng kín các vách bằng gỗ phiến để làm khám thờ, phía trước có cửa bức bàn, phía trong là nơi để một số đồ thờ và long ngai bài vị của Thành hoàng. Mái đình lợp ngói mũi hài, thoải rộng về phía dưới rồi cong vút sang hai bên tạo thành bốn đầu đao có hình đầu rồng uốn cong trong tư thế chầu vào, bờm tóc tỏa ra, đầu guột là hình các con lân. Trên nóc đình đắp hình “lưỡng long triều dương” (hai rồng chầu mặt trời). Có thể nói rằng, đình có kết cấu kiến trúc mang dáng vẻ truyền thống, chắc khỏe, bền vững, vị trí thoáng đẹp, khung cảnh hài hoà. Giá trị kiến trúc của ngôi đình còn thể hiện ở sự phối hợp uyển chuyển, hợp lý giữa kiến trúc và tổng thể cảnh quan không gian xung quanh, khiến cho ngôi đình có vẻ đẹp vừa trang nghiêm vừa gần gũi, gắn bó với cộng đồng dân cư nơi đây.
Ngoài là nơi sinh hoạt văn hóa có tính chất tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương qua nhiều thế kỷ, đình Hội Thịnh cũng đã từng chứng kiến và che chở cho những người hoạt động cách mạng, từng là nơi chứa kho vũ khí, thuốc men, là nơi cứu chữa bệnh binh, sơ tán của các cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh trong các cuộc chiến tranh của đất nước.
Trải qua thời gian và các cuộc chiến tranh, đình đã bị phá hoại, hư hỏng nhiều. Tuy đình đã được phục dựng theo dáng dấp của đình cũ, nhưng các hiện vật cũ còn giữ lại được rất ít, chủ yếu là các gia đình, cá nhân cung tiến từ năm 1996 trở lại đây bao gồm các loại đồ thờ cúng, bộ kiệu, chấp kích, đội ngựa, những bức nghi môn, hoành phi, câu đối,…
Theo phong tục từ trước để lại, đến nay thì đình Hội Thịnh vẫn duy trì đầy đủ 7 lễ tiệc hàng năm, trong đó có 3 ngày lễ chính là mùng 3 và mùng 10 tháng giêng, mùng 10 tháng 9 âm lịch, vào 3 dịp này nhân dân địa phương và các vùng lân cận đến làm lễ cầu mong có được sự may mắn, an lành./.
ST