Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh cho rằng “tình hình căng thẳng ở Biển Đông là do hành động cứng rắn của Trung Quốc tạo ra”.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi
pháp một đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh CSIS
Không chấp nhận chỉ trích, Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc quay sang chỉ trích Anh, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ và Phlippines là bên gây ra căng thẳng ở Biển Đông.
Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington ngày 18 tháng 4 vừa qua, ông Hugo Swire, Quốc vụ khanh phụ trách Đông Á của Bộ Ngoại giao Anh thẳng thắn chỉ trích những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua.
Ông Swire cho rằng “tình hình căng thẳng ở Biển Đông là do hành động cứng rắn của Trung Quốc tạo ra”, khẳng định phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài quốc tế ở La Hay (Hà Lan) về vấn đề Biển Đông là có tính ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Philippines, cả Anh và Mỹ đều sẽ ủng hộ, yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết này.
Về vấn đề này, ngày 20/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã phản ứng gay gắt, cho rằng Anh phải giữ quan điểm trung lập trong vấn đề Biển Đông.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng căng thẳng ở Biển Đông gần đây là do Mỹ và Philipines gây ra bởi vì “máy bay và tàu chiến của Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực này”.
Cùng với đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại lập trường không chấp nhận và không tham gia vụ Philipines kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế ở La Hay (Hà Lan) liên quan vấn đề Biển Đông với lý do được Trung Quốc gọi là “lạm dụng luật pháp quốc tế”.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cũng đã bày tỏ thái độ giận dữ với tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ (ngày 18/4) yêu cầu Trung Quốc không được điều động máy bay chiến đấu đến các hòn đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã biện minh cho hành động của quân đội nước này vào ngày 17/4 điều một chiếc máy bay chiến đấu Y-8 đến quần đảo Trường Sa là vì mục đích “cứu viện” và “nhân đạo”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ thì bày tỏ nghi ngờ về việc Trung Quốc điều máy bay chiến đấu đến vùng biển tranh chấp, hối thúc Trung Quốc phải tôn trọng cam kết mà chính nước này đưa ra trước đó, không được đưa máy bay và tàu chiến tới các quần đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông./.
Theo Hà Thắng - Lê Bảo/VOV.VN - Bắc Kinh