Cập nhật: 26/04/2016 09:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội thảo “Quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra” một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo: "Nếu người Việt tiếp tục tự đầu độc đồng loại bằng chất cấm, sẽ làm hỏng cấu trúc gen của giống nòi.”

Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Đó là lời mở đầu của ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tại Hội thảo Quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra do Cục Chăn nuôi đồng chủ trì với Báo Lao động tổ chức hôm nay (25/4), tại Hà Nội.

Vấn nạn sử dụng chất cấm

Đồng quan điểm ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho rằng, vấn đề chất cấm thực sự đã trở thành vấn nạn, gây hoang mang trong dư luận xã hội và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.

“Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chạy theo lợi nhuận, thiếu hiểu biết về pháp luật, nhiều cơ sở sản xuất không trang bị quy trình sản xuất chuẩn, nguyên liệu không tốt, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm... đã sử dụng các chất cấm để kích thích tiêu tụ hàng hóa. Nhiều người chăn nuôi không xác định được mức độ nguy hại của chất cấm, nghe theo lời xúi dục của thương lái đã đưa chất cấm vào trong chăn nuôi nhằm chuộc lợi, gây mất an toàn thực phẩm,” ông Việt bức xúc nói.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới giải quyết dứt điểm vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Từ đầu năm 2015 đến nay, các Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất được trên 40 tổ chức, cá nhân; phát hiện phát hiện và xử lý 18 công ty có hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 2,6 tỷ đồng.

Qua thanh tra đã nhận diện được các hành vi vi phạm, nhóm đối tượng vi phạm và đã bóc tách, triệt phá được nhiều đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm.

 

Cán bộ thú y lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)

"Như vậy, có thể khẳng định tình hình nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến thời điểm hiện tại đã được ngăn chặn, tạo sự chuyển biến căn bản so với trước tháng 10/2015. Hiện nay, chỉ còn một số ít trang trại thông qua thương lái và người tiếp thị cám cung cấp chất Sabultamol trộn trực tiếp vào thức ăn cho heo (hiện nay vẫn còn ít lượng Sabultamol trôi nổi trên thị trường) tập trung ở một số tỉnh như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Bình Dương,..." ông Việt nói.

Chăn nuôi an toàn sinh học

Ông Việt cũng cho biết, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, việc khuyến khích và phổ biến các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, các địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch để người tiêu dùng lựa chọn là giải pháp căn cơ cho việc “dẹp” chất cấm trong chăn nuôi.

Thực tế trong sản xuất chăn nuôi đã xuất hiện rất nhiều các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín từ chuồng trại tới cửa hàng và bếp ăn đảm bảo cung cấp thịt, trứng, sữa chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng mà ở địa phương nào hiện nay cũng có, điển hình như: chuỗi thịt lợn, thịt và trứng gia cầm của Công ty Cổ phần CP, của Tập đoàn DABACO, của Visan, của Masan, của Công ty Ba Huân, của Aufeed, của Thái Dương, của Emivest, của Japhacomfeed…các chuỗi về sữa của TH true milk, Mộc Châu, Vinamilk, Cô gái Hà Lan…và đặc biệt là của các trang trại và hộ nông dân chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi (VietGAP).

"Cụ thể, Đến nay đã có trên 100 trang trại chăn nuôi lớn và khoảng 9.037 hộ chăn nuôi đã được công nhận đạt VietGAP là con số rất lớn so với các lĩnh vực nông nghiệp khác,” Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương so sánh.

Phát biểu tại Hội thảo đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng chỉ rõ, giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất thịt lợn an toàn là chăn nuôi khép kín theo mô hình 3F “Feed-Farm-Food”. Trong đó “Feed” là thức ăn chăn nuôi, “Farm” là trang trại chăn nuôi và “Food” là thịt heo. Theo đó, điều kiện tiên quyết để sản xuất được thịt lợn an toàn là khả năng kiểm soát toàn bộ chuỗi 3F này. Khả năng kiểm soát này phụ thuộc vào trình độ sản xuất, đầu tư công nghệ, quy mô và quản lý sản xuất.

“Trong hợp tác cùng chăn nuôi với người dân, công ty cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý và giám sát thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Theo đó, trong hợp đồng chăn nuôi luôn có điều khoản cấm sử dụng con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý và hóa chất khác không thuộc nguồn cung cấp. Phương thức hợp tác chăn nuôi này trong nhiều năm qua đã góp phần giúp người chăn nuôi Việt Nam chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp. Thông qua đó người dân tiếp thu được khoa học công nghệ chăn nuôi và nhiều người đã có thể tự tổ chức chăn nuôi độc lập,” đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam nhấn mạnh./.

THANH TÂM (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/trien-khai-mo-hinh-chan-nuoi-an-toan-giai-phap-can-co-dep-chat-cam/383022.vnp

Tệp đính kèm