Cập nhật: 27/04/2016 08:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không sặc sỡ và thêu thùa cầu kỳ nhiều hoa văn, màu sắc như một số dân tộc khác, bộ trang phục truyền thống của nữ giới Sán Dìu (Vĩnh Phúc) khá đơn giản mà vẫn đẹp mắt, gọn gàng và nữ tính.

Bộ trang phục của nữ giới Sán Dìu phong phú hơn trang phục của nam giới. Nhìn tổng thể, bộ áo váy phụ nữ Sán Dìu không thêu thùa nhiều kiểu hoa văn xanh đỏ, đen, trắng như một số dân tộc khác mà vẫn đẹp, gọn gàng. Nữ phục truyền thống gồm khăn đội đầu, áo dài ngang đầu gối, áo ngắn mặc bên trong, ngực đeo yếm trắng, váy xẻ nhiều lớp dài đến ngang đầu gối, bắp chân cuốn xà cạp trắng.

Váy áo đều màu chàm thắt lưng bằng dải lụa xanh đỏ. Ve áo nẹp bằng vải trắng tạo thành hai vết trắng mềm mại hình chữ "V" mở từ hai vai khép lại ở thắt lưng ngang eo bụng. Áo dài có 4 thân, cổ bẻ có nẹp trơn. Cách mặc áo có sự phân biệt giữa người có chồng và người chưa có chồng. Phụ nữ có chồng và người già thường mặc áo vạt trái vắt sang bên phải, còn phụ nữ chưa chồng thì vắt ngược lại.

Đặc biệt chiếc váy của người phụ nữ Sán Dìu thời xưa là váy xẻ miếng nhiều. Người ta xếp những miếng vải chàm chồng lên nhau ở phần trên rồi khâu lại có dây dải buộc vào eo lưng. Phần dưới để xếp, không khâu chỉ. Váy chỉ dài đến đầu gối (bằng với áo) thường là 5 hoặc 7 miếng vải xếp lại.

Thời nay họ may váy 2 mảnh xếp phía trước và phía sau lồng vào nhau 2 bên. Với kiểu váy này khiến người phụ nữ luôn luôn phải giữ ý tứ khi lao động cũng như khi giao tiếp. Khi đi chợ muốn mua, xem một mặt hàng náo đó, họ không thể cúi xuống mà phải quỳ gối xuống đất rồi mới cầm mặt hàng lên xem. Theo các cụ già kể lại thì chiếc váy cổ có nhiều mảnh hơn, tới 8-10 mảnh, nhưng lại là mảnh nhỏ, và nó có tên là "váy lá" (xệch khúm) tạo xung quanh đùi có nhiều kẽ hở.

 

Bộ trang phục truyền thống làm tôn nên vẻ đẹp nữ

tính của người phụ nữ dân tộc Sán Dìu. Ảnh: Internet

Kèm theo bộ trang phục, người phụ nữ Sán Dìu còn một số đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, xà tích nhẫn bạc, túi đựng trầu. Hầu hết phụ nữ Sán Dìu ngày xưa nhuộm răng đen ăn trầu. Cái túi trầu cũng là một đồ trang sức dài khoảng 15cm, được may hình múi bưởi, có dây luồn vào miệng túi để rút (đóng túi lại) và mở ra khi ăn trầu. Hai quai túi được dệt bằng chỉ xanh đỏ nhiều hoa văn đẹp, đầu quai có tua chỉ xanh đỏ thường được quàng vào cổ để phía trước ngực thuận lợi khi ăn trầu cau. Khi đi đường họ vắt ra phía lưng hoặc buộc vào thắt lưng cho tiện. Miệng túi trầu thêu thùa nhiều hoa văn đẹp.

Phụ nữ Sán Dìu còn có cái địu con nhỏ được may đơn giản, chỉ là vài miếng vải thô, nhuộm chàm hoặc nâu, chiều rộng khoảng 0,04m, chiều dài 0,06m (hình vuông) hai đầu được luồn vào hai dải vải hoặc dây dệt chỉ xanh chỉ đỏ, để buộc vào eo lưng người mẹ quàng vào đứa trẻ ấp sau lưng, hai đầu dây trên quàng vào vai mẹ vòng ra phía sau buộc lại đỡ lưng đứa trẻ. Từ đấy người mẹ có thể làm việc nhẹ như giã gạo, sàng xảy gạo, nấu nướng...

Có thể nói, bộ trang phục truyền thống là một trong những yếu tố quan trọng chứa đựng linh hồn và bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Vì vậy, để có thể bảo tồn và phát huy những giá trị và bản sắc văn hóa ấy, cộng đồng dân tộc Sán Dìu ở nước ta nói chung, người Sán Dìu (Vĩnh Phúc) nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục các thế hệ con cháu biết trân trọng, gìn giữ và phát triển vốn văn hoá độc đáo của thế hệ cha ông để lại.

ST

Tệp đính kèm