Cập nhật: 30/04/2016 09:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Doanh nghiệp của nhiều nước muốn được đầu tư, hợp tác với Việt Nam phát triển nông nghiệp, công nghệ thông tin, phần mềm, đào tạo nhân lực...

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư phát triển

 nông nghiệp Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 29/4, khối doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có nhiều kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và mong muốn được đầu tư vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực.

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư phát triển nông nghiệp Việt Nam

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Việt Nam rất có tiềm năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm và nông nghiệp. Về lĩnh vực công nghệ thông tin và phần mềm ở Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm muốn tham gia đầu tư.

Lĩnh vực này sẽ phát triển nhanh thời gian tới. Nếu Việt Nam hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi về đào tạo nâng cao trình độ nhân lực, nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp Nhật Bản muốn nhà nước Việt Nam tang cường đầu tư vào lĩnh vực này, nâng cao khả năng lao động của người lao động Việt Nam.

Vị đại diện DN Nhật Bản tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nên đầu tư phát triển nhân lực kỹ thuật, kỹ năng mềm, tự động hòa. Các chương trình đào tạo về các lĩnh vực này cần đưa vào từ nhà trường phổ thông chứ không nên chỉ đưa vào các trường dạy nghề hay các cao đẳng, đại học. Các nhà đầu tư Nhật Bản hy vọng các chương trình đào tạo chuyên nghiệp sớm được áp dụng hơn và mong muốn phía Nhật Bản được hợp tác với Việt Nam trong đào tạo nhiều lĩnh vực về công nghệ và đào tạo tiếng Nhật cho người Việt.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, có nhiều tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Theo vị đại diện này, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam rất đa dạng, phong phú và Việt Nam có thể hưởng lợi trong việc tạo ra sản phẩm cung ứng cho thị trường thế giới ngày càng rộng lớn.

Nước Nhật rất thành công trong phát triển nông nghiệp và phát triển công nghệ, bí quyết sản phẩm an toàn và mong muốn hợp tác với Việt Nam phát triển. Đặc biệt, Nhật Bản có hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm rất tốt, giúp Nhà nước truy tìm dễ dàng đơn vị vi phạm về an toàn sản phẩm, vi phạm tiêu chuẩn… và khuyến khích người sản xuất sản phẩm an toàn, hợp pháp, tin cậy. Vì thế, doanh nghiệp Nhật Bản rất mong tìm hiểu cơ hội và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 29/4, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam hy vọng Chính phủ Việt Nam tăng cường linh hoạt trong chính sách lao động nước ngoài tại Việt Nam, chính sách bảo hiểm rõ ràng hơn nữa.

Cần lập một cơ quan thường trực về cải cách thể chế

Đại diện cộng đồng DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, mặc dù luật pháp về lao động của Việt Nam đã đổi mới, nhưng cần thay đổi hơn nữa. Thị trường Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, do đó cần thêm nhiều lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Nhưng một số thay đổi về chính sách lao động với người nước ngoài tại Việt Nam gần đây làm lao động nước ngoài vào Việt Nam khó hơn.

Theo vị đại diện các DN Hàn Quốc này, doanh nghiệp lớn hay vừa và nhỏ thì có những điều kiện khác nhau, không nên có chính sách, pháp luật giống nhau cho mọi loại hình doanh nghiệp. Việt Nam cần có chính sách thông thoáng, loại bỏ những quy định bất hợp lý.

Để làm được điều đó, theo vị đại diện này, “Việt Nam cần lập một cơ quan thường trực về cải cách thể chế, dưới sự điều hành trực tiếp của Thủ tướng. Cơ quan này sẽ nghe phản ánh từ doanh nghiệp, từ đó trình lên Thủ tướng để có những điều chỉnh kịp thời với những quy định không hợp lý. Mong chính phủ Việt Nam quan tâm hơn nữa cải thiện quy định, giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam vì sự phát triển chung của Việt Nam”.

Cũng liên quan đến vấn đề lao động, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có quy định giới hạn giờ lao động như hiện tại là một rào cản. Vì để đáp ứng đơn hàng, doanh nghiệp cần tăng giờ làm việc cho công nhân có trả thù lao tăng giờ, nhưng lại phải tuân thủ quy định về giới hạn thời gian làm thêm. Như thế là vừa tăng chi phí lao động rất lớn cho doanh nghiệp mà vẫn không phát huy khả năng của cả doanh nghiệp và người lao động.

Do đó, phía DN Nhật Bản cho rằng, quy định giới hạn về thời gian làm thêm giờ này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường lao động khu vực và quốc tế.

Vì thế, đại diện DN Nhật Bản kiến nghị Việt Nam nên cho phép người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về giờ làm, nới rộng thời gian làm một cách hợp lý hơn.

Đại diện cộng đồng DN Nhật Bản còn kiến nghị: Hệ thống pháp luật Việt Nam nên được điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế môi trường kinh doanh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện DN Nhật Bản cho rằng, một số quy định trong Luật Đầu tư không phù hợp có thể tạo ra quy định không cần thiết đối với nhà đầu tư. Doanh nghiệp Nhật Bản rất mong được hợp tác với Việt Nam sửa những quy định pháp luật này cho hợp hơn với chuẩn quốc tế, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam./.

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm